Trải nghiệm gần gũi hơn với cuộc sống, nét đẹp văn hóa người dân địa phương của bà con các vùng miền… là điểm mạnh của du lịch khám phá văn hóa bản địa. Đây cũng là những nguyên liệu quý giúp lữ hành, ngành du lịch phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo.
Theo các chuyên gia, đây là hình thức du lịch mà bạn sẽ chú trọng trải nghiệm, tìm hiểu sâu hơn về con người, văn hóa và cuộc sống bình dị của những người dân bản địa. Điểm đến của hình thức du lịch này có thể không phải là những thắng cảnh mà là trọng tâm vào những nét đẹp, giá trị văn hóa và đặc trưng của địa phương, vùng miền.
Đây là hình thức du lịch phát triển khá thịnh hành ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, xu hướng du lịch này góp phần thúc đẩy cho du lịch cộng đồng, mang lại cơ hội phát triển cho các homestay mang đặc trưng văn hóa bản địa. Đơn cử như dịch vụ ở homestay Halo Bay (Kênh Liêm, TP Hạ Long), điểm đến được các trang đặt phòng quốc tế quan tâm, nhiều bạn trẻ, du khách quốc tế yêu thích.
Tại đây, ngoài lưu trú, sinh hoạt cùng gia đình người dân địa phương, du khách được chủ homestay tư vấn điểm tham quan, đồng hành, chỉ dẫn khách cách đi chợ, cung cấp bếp nấu, cách chế biến các món ăn đặc trưng vùng biển cho tới các chuyến đi tham quan, đến các di tích mà ít du khách biết đến, như: Trận địa pháo đồi Đặng Bá Hát, phố cổ Hòn Gai, nhà Pháp, cuộc sống làng chài, xưởng chế biến than đá…
Chị J.Radhika (du khách người Anh) đánh giá: Thật tuyệt khi đây là điểm nhấn trong chuyến đi dài của tôi. Không chỉ được hiểu hơn nếp sống, văn hóa người Hạ Long, tôi được dẫn đi thăm di tích lịch sử, phố cổ, tập thể dục sáng ở đường bao biển, tối đạp xe xuống bãi biển… Đó còn hơn cả một chuyến đi”.
Không chỉ ở thành phố, trên các vùng cao xa xôi như Bình Liêu cũng là điểm đến được du khách quan tâm. Ngoài cảnh quan, du khách đến Bình Liêu bởi vì yêu nét đẹp văn hóa, cuộc sống của đồng bào ở các bản làng. Ở Bình Liêu, không ít homestay thật sự như ngôi nhà truyền thống ấm cúng của đồng bào, tạo không gian cho du khách trải nghiệm văn hóa bản địa, từ bữa cơm đến nếp sinh hoạt thông qua các món ăn do chính người dân nuôi trồng, giao lưu văn nghệ như hát then – đàn tính, trò chơi dân gian…
Du khách còn được hòa vào hoạt động thường ngày của bà con dân bản, như cấy, gặt lúa, làm nhà trình tường… hoặc được hướng dẫn viên bản địa dẫn đi tham quan bản mùa lúa chín, phượt rừng hái măng, tham gia các chợ phiên, thưởng thức ẩm thực ở các lễ cơm mới…
Không chỉ vùng cao, khám phá cuộc sống của người dân biển vùng vịnh Bái Tử Long, các đảo Minh Châu, Quan Lạn, Cô Tô… cũng là điều du khách thích thú. Bởi tới đây, du khách sẽ được người dân địa phương dẫn đi biển, trải nghiệm cuộc sống lao động hàng ngày. Dưới sự hướng dẫn của ngư dân, du khách sẽ được trực tiếp tham gia đánh cá, cào ngao, đào sá sùng… Qua đó, không chỉ du khách được trực tiếp trải nghiệm, thể hiện sự khéo léo của mình mà còn hiểu hơn khó khăn, vất vả của ngư dân. Sau đó, du khách sẽ vào bếp chế biến và thưởng thức thành quả mình vừa đánh bắt.
“Du lịch như người bản địa không quá chú trọng tới thắng cảnh mà khai thác góc cạnh cuộc sống, nét đẹp trong đời sống, văn hóa. Qua đó, du khách có thể khám phá, hiểu chân thực hơn vùng đất đó. Đây chính là sức hút, sự hấp dẫn riêng có của hình thức du lịch này” – ông Trần Đăng An, Giám đốc lữ hành Halotour, đánh giá.
Thực tế, không ít các trải nghiệm này đã được các đơn vị lữ hành quan tâm khai thác, trở thành ý tưởng, chất liệu cho các sản phẩm du lịch, đơn cử như: Tour du lịch 1 ngày làm ngư dân trên Vịnh Hạ Long, ở đảo Quan Lạn, city tour TP Hạ Long, trải nghiệm mùa lúa chín, lễ cơm mới ở Bình Liêu, trải nghiệm làng quê Yên Đức…
Từ kết quả ban đầu đó, hiện ngành du lịch tỉnh đang hướng đến xây dựng những hoạt động trải nghiệm dựa vào chất liệu trên như trải nghiệm đời sống ngư dân, đua thuyền rồng, chợ phiên, du lịch băng rừng. Điều cần làm là khai thác được sự khác biệt, nét đẹp đặc trưng của từng sản phẩm thay vì dập khuôn, thiếu sáng tạo…