Ngày 8/6, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế một số mô hình phát triển sản xuất, mô hình NTM và làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Vân Đồn về tình hình phát triển kinh tế xã hội, thực hiện chương trình xây dựng NTM 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Cùng đi có đồng chí Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, huyện Vân Đồn đã giữ vững sự đoàn kết, ổn định, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, đưa kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển.
Giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm ước đạt trên 6.938 tỷ đồng, đạt 93,3% so với kịch bản tăng trưởng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 18%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 7.780 tỷ đồng, bằng 101% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 17,3% dự toán giao, đạt 44,3% kịch bản thu 6 tháng đầu năm. Tổng lượng khách đến Vân Đồn 6 tháng ước đạt 649.000 lượt, đạt 101% so cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2.215 lượt; khách nội địa ước đạt 646.785 lượt. Doanh thu du lịch đạt 838 tỷ đồng. Khách du lịch đến Vân Đồn chủ yếu là dòng khách du lịch nghỉ dưỡng biển, khách tham gia các hoạt động trải nghiệm cùng cộng đồng địa phương.
Lĩnh vực nuôi biển – ngành kinh tế quan trọng của địa phương cũng đạt kết quả tích cực. Đến nay, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, huyện đã hoàn thành Đề án Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển huyện Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, huyện cơ bản thực hiện thay thế xong vật liệu nổi đạt chuẩn nuôi trồng thuỷ sản thân thiện với môi trường. Hiện trên địa bàn huyện đã có 84 Hợp tác xã và 4 doanh nghiệp nghiên cứu lập dự án nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều mô hình nuôi biển trên địa bàn huyện đã được chuyển đổi theo hướng công nghệ cao, phát triển xanh bền vững, thân thiện môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu như mô hình nuôi rong biển và nuôi cá song kết hợp với du lịch trải nghiệm của Công ty STP tại xã Hạ Long. Trong đó, công ty đã áp dụng nuôi cá cho ăn tự động; camera theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển; có thiết bị đo lường môi trường nuôi; sử dụng hệ lồng phao bằng vật liệu xanh thân thiện môi trường. Mỗi năm, mô hình thu hoạch 50 tấn rong khô, 100 tấn hầu, 45 tấn cá, thu hút 3000 lượt khách tham quan. Hay như Mô hình nuôi cá biển của Hợp tác xã Thắng Lợi tại xã Bản Sen đã sử dụng vật liệu nổi đạt chuẩn, thân thiện với môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Hiện HTX đang nuôi 300 ô lồng cá, hàng năm đều cho sản lượng thu hoạch lớn, chất lượng sản phẩm ổn định, doanh thu cao.
Chương trình xây dựng NTM triển khai trên địa bàn huyện tạo chuyển biến tích cực. Toàn huyện hiện có 6/11 xã đạt chuẩn xã NTM mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; 2/11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu (theo bộ tiêu chí giai đoạn 2018-2020). Huyện đã hoàn thành đạt chuẩn 100% các tiêu chí, chỉ tiêu huyện NTM nâng cao. Diện mạo vùng nông thôn đã chuyển biến rõ nét; kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, đồng bộ, hiện đại; môi trường nông thôn ngày càng sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người hết năm 2023 đạt 155,5 triệu đồng/năm. Toàn huyện không còn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí quốc gia và tiêu chí của tỉnh.
Kiểm tra thực tế một số mô hình nuôi biển, các thiết chế văn hóa, giáo dục tại xã Hạ Long – xã NTM kiểu mẫu và làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Từ hơn 10 năm trước, Vân Đồn đã được xác định là mũi đột phá trong phát triển của tỉnh. Tỉnh cũng đã có sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư đặc biệt cho Vân Đồn. Đến nay, bộ mặt huyện Vân Đồn đã có sự thay đổi toàn diện. Vân Đồn đã trở thành vùng biển đảo hấp dẫn đối với khách du lịch, nhà đầu tư.
Nhấn mạnh đến những cơ hội phát triển mới của huyện Vân Đồn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Vân Đồn phải bám sát quy hoạch tỉnh, quy hoạch KKT Vân Đồn và các chỉ đạo của tỉnh để định hình sự phát triển mang tính tổng thể, bền vững dựa vào 4 trụ cột: kinh tế, xã hội, an ninh, môi trường; phấn đấu trở thành địa phương điển hình trong tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đối khí hậu. Để thực hiện mục tiêu đó, toàn huyện phải đổi mới tư duy phát triển bền vững, tư duy quản trị địa phương với tốc độ phát triển cao, tư duy tăng trưởng xanh.
Chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu tập trung quản lý, khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh, lợi thế đặc biệt của KKT Vân Đồn và giá trị khác biệt của vịnh Bái Tử Long, rừng Quốc gia Bái Tử Long. Huyện cần huy động sử dụng mọi nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực du lịch – dịch vụ, đa dangh các sản phẩm du lịch để phát triển du lịch bền vững, xanh, du lịch sinh thái theo mô hình biển đảo cao cấp, chất lượng cao, tạo ra không gian du lịch gắn với không gian văn hóa để khai thác Thương cảng Vân Đồn và các giá trị văn hóa đặc sắc. Từ đó hình thành nên không gian du lịch sang trọng, mới lạ và có sức hấp dẫn gắn với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của vịnh Bái Tử Long, Vườn quốc gia Bái Tử Long để tạo ra giá trị gia tăng không chỉ cho ngành du lịch của huyện mà của ngành du lịch toàn tỉnh.
Để du lịch phát triển, huyện phải quan tâm đến chất lượng, số lượng, giá cả, sức cạnh tranh, thương hiệu sản phẩm du lịch; xác định rõ thị trường khách nội địa, khách quốc tế để có chiến lược quảng bá, xúc tiến rõ ràng; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong lĩnh vực này. Đồng thời, huyện phải đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường biển đảo, phát triển rừng; nhất là kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trong khu đô thị, khu vực nông thôn, trên các xã đảo, tàu du lịch, khách du lịch; quyết tâm xây dựng thương hiệu du lịch Vân Đồn là du lịch biển đảo cao cấp, chất lượng cao, không rác thải nhựa.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu huyện tập trung phát triển kinh tế biển xanh, đưa Vân Đồn trở thành 1 trong những nơi trọng điểm về nuôi biển bền vững với mô hình công nghệ cao, sinh thái; sử dụng bền vững tài nguyên biển đảo đa giá trị, tạo ra giá trị gia tăng lớn gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ vùng vịnh Bái Tử Long; gắn chặt giữa nuôi biển với phát triển du lịch dịch vụ, công nghiệp chế biến. Vân Đồn cần khai thác lợi thế về hạ tầng giao thông, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn để phát triển lĩnh vực logistics và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội để có lộ tình đầu tư phù hợp; gắn kết chặt chẽ việc xây dựng NTM với phát triển đô thị bền vững.
Đồng thời, tập trung phát triển văn hóa – xã hội – con người, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học; chú trọng chuyển đổi nghề cho người dân trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn phù hợp với định hướng phát triển, nhất là ở các địa phương bị tác động khi triển khai các dự án đầu tư lớn.
Cùng với đó, chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, chăm lo đội ngũ cán bộ công chức viên chức; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí, nhất là trong lĩnh vực đất đai; đảm bảo an ninh trật tự, giữ sự ổn định an ninh nông thôn, an ninh biển đảo, an ninh du lịch; gắn trách nhiệm của công an xã chính quy và tới đây là lực lượng an ninh cơ sở; củng cố, nhân rộng các mô hình an ninh cơ sở; phát triển mạnh mẽ mô hình thôn, khu, xã không ma túy. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là ở những lĩnh vực mới như du lịch, môi trường, an ninh trật tự.
Cùng ngày, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến thăm, tặng quà gia đình Thương binh Lương Thành Long tại thôn 11, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn.