Không chỉ là thủ phủ xinh đẹp của tỉnh, TP Hạ Long còn ghi dấu lịch sử đấu tranh, nhiều địa điểm, di tích giá trị. Đây là những nguyên liệu vàng được định hướng kết nối, xây dựng thành các sản phẩm du lịch thời gian tới.
Nhắc tới Hòn Gai xưa là nhắc tới một giai đoạn lịch sử vừa khó khăn, đau thương vừa hào hùng của Vùng mỏ. Không chỉ là sử sách, kí ức đó còn được lưu lại, giữ gìn ở các di tích. Đó là núi Bài Thơ giữa lòng thành phố, nơi tới nay vẫn sót lại dấu tích còi báo động cho người dân thị xã…Dưới chân núi là chùa Long Tiên, khu phố cổ của Hòn Gai xưa men theo chân núi.
Hòn Gai còn là nơi lưu giữ nhiều kiến trúc thời Pháp thuộc. Đó là các khu nhà 2 tầng kiến trúc Pháp dành cho chủ mỏ ở, điều hành, hiện là nơi làm việc của Trung tâm Điều hành sản xuất than tại Quảng Ninh (Vinacomin). Kế bên là căn biệt thự của chủ mỏ Pháp từng được Liên đoàn Lao động lấy làm trụ sở. Nay các kiến trúc này vẫn giữ được nét riêng dù đã nhuốm màu thời gian.
Cách đó không xa là chứng tích nhà giam, dấu ấn đau thương của đồng bào ta thời Pháp thuộc và Bến phà Bãi Cháy ghi dấu ấn sự phát triển của vùng than Hòn Gai. Bến phà từng là nơi ghi dấu sự kiện tên lính Pháp cuối cùng rút xuống tàu năm 1955, lật giở lịch sử vùng Mỏ sang trang mới với sự chuyển mình mạnh mẽ. Cùng với đó là không ít các di tích khác còn sót lại xung quanh khu vực này.
Trên thực tế đã có nhiều hoạt động du lịch, doanh nghiệp khai thác giá trị các di sản này, như: Phố đi bộ Bài Thơ, chuyến phà Ký ức Bãi Cháy, định hướng khai thác núi Bài Thơ… Tuy nhiên, các hoạt động trên mới chỉ tập trung khai thác di tích, điểm đến một cách đơn lẻ. Để chuẩn bị cho sản phẩm du lịch những năm tới, các doanh nghiệp du lịch, Hội Cổ vật tỉnh định hướng khai thác các tuyến du lịch kết nối các di sản xưa cũ. Ông Lê Minh Thứ, Chánh văn phòng Hội Cổ vật tỉnh, chia sẻ: Với mong muốn có sản phẩm du lịch về lịch sử, chúng tôi định hướng xây dựng hành trình như một lát cắt thời gian về Hòn Gai xưa – nay, vừa là sự kết nối của quá khứ tới hiện tại, từ lịch sử tới một Hòn Gai hiện đại, đổi mới.
Theo đó, dự kiến hành trình sẽ xuất phát, đi qua các công trình mang tính biểu tượng của Hạ Long. Đơn cử, như từ Bảo tàng – Thư viện tỉnh đi qua tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn tới các điểm di tích kể trên. Điều mới mẻ là hành trình sẽ kết nối với đảo Tuần Châu rồi đi thuyền tham quan Trạm quản lý đường thủy nội địa Ba Mom (hòn Nhà Đèn), được thiết kế, xây dựng từ thời Pháp, quản lý một vùng biển đảo khu vực Tuần Châu (TP Hạ Long) – Hoàng Tân (TX Quảng Yên) và các di tích lịch sử nổi tiếng ở Quảng Yên.
Bên cạnh đó là các hành trình mang giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống cao, như: Bảo tàng Quảng Ninh tới Vũng Đục (TP Cẩm Phả) hoặc kết nối với vùng căn cứ cách mạng Sơn Dương, hang Tỉnh ủy hay làng người Dao Bằng Cả… Điều đặc biệt là hành trình này sẽ là chuyến tham quan bằng cả phương tiện mới và xưa cũ như: xe U-oát, phương tiện thủy cổ truyền…
Được biết, trong cuộc họp về phát triển sản phẩm du lịch mới đây, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu tập trung đưa vào khai thác sản phẩm du lịch mới phục vụ nhu cầu đa dạng của các thị trường khách, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đảm bảo các tiêu chí về tính độc đáo, mới mẻ, thu hút du khách và khả thi trong quá trình thực hiện. Có thể thấy, các tour, tuyến này có sự đặc sắc, kết nối sáng tạo, có tính khả thi, tuy nhiên cũng còn không ít khó khăn, cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để hiện thực hóa, triển khai thành tour, tuyến cụ thể.