Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trên địa bàn Quảng Ninh có 162.531 người DTTS. Vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh có vị trí địa lý trọng yếu về QP-AN, bởi vậy việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng này, luôn được tỉnh quan tâm.
Còn nhớ đợt dịch Covid-19 năm 2021, khi đến bản Mốc 13, xã Quảng Đức (huyện Hải Hà), phóng viên vô cùng cảm động khi thấy hình ảnh chiến sĩ BĐBP phối hợp cùng người dân bản Mốc 13 tuần tra dọc tuyến biên giới để ngăn chặn những người từ Trung Quốc sang Việt Nam và từ Việt Nam sang Trung Quốc trái phép qua đường mòn, lối mở trên địa bàn. Điều này đã góp phần quan trọng trong ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát.
Ông Tằng Dếnh Thân, người uy tín của bản cho biết: Chúng tôi thường phối hợp với chính quyền địa phương, cán bộ chiến sĩ BĐBP vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo vệ đường biên cột mốc; không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc”; vận động bà con không tảo hôn… Điều này đã góp phần giúp ANTT ở bản Mốc 13 luôn được đảm bảo; người dân yên tâm phát triển kinh tế.
Để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc vùng DTTS, bên cạnh ban hành các nghị quyết, chính sách, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng huy động sức mạnh của bà con. Công an tỉnh phối hợp cùng các địa phương xây dựng mô hình an ninh cơ sở tại 29 xã, phường, thị trấn; trong đó có 19 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; duy trì thực hiện hiệu quả công tác vận động, tranh thủ người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia giải quyết các vụ việc phát sinh về an ninh trật tự tại địa bàn.
Theo quyết định của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 363 người có uy tín. Đội ngũ này chủ yếu là các già làng, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng khu phố, trưởng dòng họ, dòng tộc, người làm nghề chữa bệnh, người nhiệt tình giúp đỡ đồng bào và được đồng bào tin tưởng… nhờ đó, việc phối hợp vận động, tuyên truyền trong vùng DTTS cũng thuận lợi hơn. Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Người có uy tín phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động tại cơ sở góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Về phía Bộ CHQS tỉnh luôn triển khai xây dựng tốt lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn, thực hiện tốt công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ, trong đó có người dân vùng DTTS… Hiện 100% xã, thôn bản của tỉnh thường xuyên được xây dựng, trang bị, củng cố kiến thức, kỹ năng đối với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên theo quy định.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tham gia củng cố 48 chi bộ, 32 tổ chức đoàn thể xã hội ở các xã, phường DTTS, biên giới, biển đảo hoạt động nền nếp, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Kết luận số 68-KL/TW ngày 5/2/2020 của Ban Bí thư về 2 năm thực hiện chủ trương thí điểm tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn biên phòng vào cấp ủy cấp huyện biên giới ở tỉnh Quảng Ninh. Hiện trên địa bàn tỉnh duy trì 24 cán bộ đồn biên phòng giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã; 5 đồng chí là Đồn trưởng và Chính trị viên các đồn biên phòng tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thành ủy biên giới biển, đảo nhiệm kỳ 2021-2025.
Các sở, ban, ngành, lực lượng còn tích cực phối hợp thẩm định, quản lý và theo dõi thực hiện các dự án phát triển KT-XH, bảo đảm phát triển nhiệm vụ, như xây dựng thế trận khu vực phòng thủ trên địa bàn tỉnh đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 2/3/2022 của Chính phủ về phát triển KKT khu vực biên giới đất liền; thực hiện tốt công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Các ngành, địa phương cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát, tiêu cực, trong quản lý sử dụng các nguồn vốn; góp phần đảm bảo hiệu quả nguồn lực huy động cho phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Giai đoạn 2020-2022, riêng Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh đã tiến hành 7 cuộc thanh tra về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất… bằng nguồn vốn Chương trình 135 (Đề án 196)…
Những mô hình, cách làm của lực lượng chức năng, các sở ngành, địa phương và sự tích cực vào cuộc của người dân đã giúp Quảng Ninh đạt hiệu quả trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đời sống kinh tế – xã hội của người dân ở khu vực này cũng ngày càng được nâng cao.