Bằng nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả, việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã có những tác động tích cực đến đời sống xã hội và kinh tế địa phương. Từ đây, góp phần nâng cao ý thức, tăng cường mối đoàn kết cộng đồng, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, tạo điều kiện, môi trường để các tầng lớp nhân dân sinh hoạt, thụ hưởng văn hóa lành mạnh, không ngừng phát huy bản sắc văn hóa, con người Quảng Ninh.
Phát huy vai trò chủ thể của người dân
Từ cuối những ngày tháng 10, khi những thửa ruộng bậc thang nhuộm sắc vàng cũng là lúc bà con khắp các bản làng Bình Liêu tất bật vào vụ mùa gặt và cũng là thời điểm hòa mình vào không khí vui tươi, rộn ràng của Hội Mùa vàng, cùng nhau hát múa, chào đón du khách bốn phương về với mảnh đất miền biên giới tươi đẹp. Đặc biệt, hoạt động Tuần Văn hóa – Du lịch Bình Liêu năm nay được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa đổi mới, góp phần tạo ra không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc cho nhân dân và du khách.
Ông Tô Đình Hiệu, Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa Bình Liêu, cho biết: Điểm mới của Tuần Văn hóa – Du lịch Bình Liêu năm nay chính là không gian trình diễn, giới thiệu văn hóa dân gian các dân tộc huyện Bình Liêu được tổ chức xuyên suốt trong gần 2 tháng từ cuối tháng 10 đến khoảng giữa tháng 12 vào tối thứ 7 hàng tuần. Tại không gian này, những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số Tày, Dao, Sán Chỉ được thể hiện như các làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống, nghệ thuật thêu thủ công, tái hiện lễ cưới theo phong tục truyền thống của từng dân tộc. Đặc biệt những người biểu diễn cũng chính là người dân, thành viên nòng cốt các câu lạc bộ văn nghệ tại các xã, thị trấn. Qua đó, tạo môi trường để người dân vừa tham gia gìn giữ, bảo tồn, quảng bá văn hóa vừa thụ hưởng văn hóa, góp phần mang đến không gian, điểm hẹn sinh hoạt văn hóa lành mạnh, vui tươi.
Không riêng Bình Liêu, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đều diễn ra sôi nổi trên địa bàn tỉnh. Từ các chương trình Lễ hội Mùa vàng miền soóng cọ Đại Dực (Tiên Yên), Lễ hội trà Đường Hoa (Hải Hà), các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao được tổ chức trong niềm vui hân hoan của nhân dân chào mừng thành lập TP Đông Triều; các sự kiện thể thao, hoạt động đồng diễn dân vũ, biểu diễn nghệ thuật đường phố của TP Hạ Long thường xuyên diễn ra không chỉ tạo sản phẩm du lịch chào đón du khách, mà còn tiếp thêm động lực, cổ vũ tinh thần nhân dân vượt qua khó khăn của thiên tai, tái thiết ổn định cuộc sống… Tất cả đều đã và đang góp phần quan trọng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Đặc biệt, ngày 10/11, khắp các thôn, bản, khu dân cư trên địa bàn tỉnh lại nhuộm đỏ màu cờ, người dân cùng nhau cất cao tiếng hát rộn ràng, hân hoan, sum họp bên những mâm cơm đoàn kết trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đã là năm thứ 3, tại Quảng Ninh, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức đồng loạt, song khí thế kết đoàn, niềm vui tưng bừng, rộn ràng năm nào cũng như thế, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống nhân dân. Đó chính là minh chứng sinh động nhất cho sự đoàn kết, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thật sự đi vào chiều sâu. Không chỉ có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, địa phương mà chính người dân là chủ thể trong tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ngày càng lành mạnh, phong phú.
Chăm lo toàn diện
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 28/2/2022 về thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2026; Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”, Quyết định số 50/2024/QĐ-UBND ngày 25/10/2024 về ban hành Quy định các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa; Thôn, khu phố văn hóa; Xã, phường, thị trấn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh…
Trên cơ sở đó, ngành văn hóa – thể thao từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống. Đặc biệt là triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, tạo sự gắn kết cộng đồng. Toàn tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình “Khu dân cư văn hóa kiểu mẫu” gắn với các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các xã Vạn Ninh (TP Móng Cái), Dân Chủ (TP Hạ Long), phường Bình Dương (TP Đông Triều). Đến nay, toàn tỉnh có 349.446/365.274 (tỷ lệ 95,7%) gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; có 1.400/1.452 (tỷ lệ 96,4%) khu dân cư đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”.
Cùng với đó, các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển tích cực; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia như: Liên hoan Tiếng hát khu dân cư, chương trình giao lưu Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát tại khu công nghiệp, Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ninh và các ngành. Đồng thời thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” thông qua các giải thể thao quần chúng, hàng nghìn câu lạc bộ bóng chuyền hơi, bóng bàn, bóng đá… các lứa tuổi tại địa bàn dân cư, cơ quan, doanh nghiệp. Công tác phát triển và tổ chức các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm tiếp tục đẩy mạnh tổ chức, góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ của nhân dân.
Với quan điểm xuyên suốt “phát triển văn hóa, xã hội tương xứng với phát triển kinh tế…”, xác định hệ thống thiết chế văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhân dân, đồng thời là diện mạo văn hóa của địa phương, tỉnh đã quan tâm đầu tư, phát triển và hiện đại hóa hệ thống thiết chế văn hóa hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng hoạt động.
Cấp tỉnh có Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Khu liên hợp Thể thao, Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi, Cung Văn hóa Lao động Việt Nhật. 13/13 huyện, thị xã, thành phố có cơ sở vật chất Trung tâm Văn hoá – Thể thao; có 13/13 thư viện. Cấp xã có 73/171 nhà văn hoá cấp xã, phường, thị trấn, cấp thôn có 1.449/1.452 thôn khu có nhà văn hóa. Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút mạnh mẽ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh các thiết chế văn hóa thể thao quy mô lớn, với hơn 500 công trình, tổng kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.
Bằng sự vào cuộc tích cực từ cấp ủy, chính quyền các cấp và chung sức của nhân dân đã và đang khơi dậy, phát huy tinh thần chủ động, tính tích cực, vai trò tự quản và sáng tạo của cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.