Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm là: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Thực hiện chủ trương của Đảng, tỉnh Quảng Ninh đã và đang làm tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành đồng bộ các quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, quy định về tuyển dụng, quy hoạch, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ… Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nổi bật là công tác tuyển dụng ngày càng chặt chẽ, hình thức tuyển dụng chủ yếu là thi tuyển theo nguyên tắc công khai, đúng pháp luật, bảo đảm tính cạnh tranh; đặc biệt nhiều đơn vị đã tổ chức thành công kỳ thi kiểm tra, sát hạch cán bộ, công chức theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với các nội dung phù hợp với vị trí việc làm đã được phê duyệt.
Công tác đánh giá cán bộ thường xuyên được đổi mới theo hướng khoa học, dân chủ, khách quan, thực hiện nghiêm túc việc gắn đánh giá trách nhiệm của cá nhân với kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể, trong đó chú trọng đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Kết quả xếp loại cán bộ hằng năm cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và bảo đảm tỷ lệ cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không vượt quá 20% so với tổng số cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Công tác quy hoạch ngày càng nền nếp, bảo đảm số lượng, cơ cấu nữ, trẻ, dân tộc và có tính khả thi cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã đi vào thực chất và toàn diện hơn, đã xác định rõ hơn các tiêu chuẩn chức danh trước khi cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Trong năm 2023, tổng số lượt cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng là 25.116/24.786 lượt (đạt 101%) so với kế hoạch. Trong đó số người được đào tạo, bồi dưỡng trong nước gồm 10.698 lượt cán bộ, công chức; 10.319 lượt viên chức; 2.557 cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý; 1.514 lượt người là đại biểu HĐND.
Ngoài ra, tỉnh đã cử 28 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng tại nước ngoài theo chương trình của Bộ Nội vụ và các chương trình hợp tác do nước ngoài tài trợ. Quảng Ninh cũng triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh gồm 79 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cho 4.906 học viên. Trong đó, đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ 14 lớp; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, theo tiêu chuẩn ngạch 4 lớp; bồi dưỡng ngoại ngữ và tiếng dân tộc 6 lớp; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên ngành theo theo vị trí việc làm 43 lớp; bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã 11 lớp.
Ông Nguyễn Ngọc Minh (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) cho biết: Qua theo dõi tôi thấy thời gian qua, Tỉnh ủy đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ gắn với tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng chủ trương của Trung ương. Đặc biệt, tôi đánh giá cao việc đổi mới về tiêu chuẩn cán bộ, công khai hóa, minh bạch hóa và dân chủ hóa việc đánh giá, lựa chọn cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực, đồng thời bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ thực sự khoa học, dân chủ, đúng pháp luật và quy định của Đảng, bảo đảm “đúng người, đúng việc”, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao.
Hiện tỉnh đã hoàn thành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 (2021-2026), xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030 (2026-2031) bảo đảm số lượng, tỷ lệ, cơ cấu quy định gắn với bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Cùng với đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo rà soát, xử lý dứt điểm sai phạm trong công tác cán bộ theo Kết luận số 27-KL/TW, ngày 21/2/2022 của Ban Bí thư; thực hiện nghiêm chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sau khi bị kỷ luật; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Song song với đó, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng gắn với thanh tra của Nhà nước; nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là tại sở, ban, ngành, cấp huyện và cơ sở cũng được Tỉnh uỷ chỉ đạo tăng cường thực hiện. Các cấp uỷ cũng chú trọng giám sát có thẩm tra, kiểm tra cách cấp, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm gắn với xử lý trách nhiệm cán bộ, đảng viên; tập trung kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ phát sinh sai phạm, xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm, nhất là quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, lựa chọn nhà đầu tư…
Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác cán bộ của Quảng Ninh thời gian qua đã có bước đột phá, đổi mới, chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng chặt chẽ, khoa học, bài bản, công khai, dân chủ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là ở cơ sở được chăm lo, xây dựng, từng bước ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ và có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt.