Quảng Ninh hiện có 1.452 chi bộ thôn, bản, khu phố trực thuộc 177 đảng bộ xã, phường, thị trấn. Những năm qua, các chi bộ đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời là cầu nối trực tiếp đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
TP Móng Cái có 78,4km đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp với Trung Quốc, có 34 cột mốc biên giới quốc gia, được xác định là địa bàn có vị trí địa chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh và đối ngoại của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung.
Thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội, củng cố tiềm lực, thế trận quốc phòng gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với nước bạn Trung Quốc.
Để bảo vệ thành quả cách mạng, chung tay xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, những năm qua Chi bộ khu Đông Thịnh (phường Trà Cổ, TP Móng Cái) đã phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị của Đảng ở khu vực giáp biên, tích cực giáo dục, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong và ngoài nước, Chi bộ đã chủ động trang bị những kỹ năng nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho đội ngũ đảng viên. Nhờ đó đội ngũ đảng viên luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức, nâng cao ý thức cách mạng, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ông Phạm Đức Thuận, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Đông Thịnh, cho biết: Phần lớn cư dân địa phương sống bằng nghề đi biển, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn. Chi bộ luôn quan tâm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định về an toàn khi hoạt động trên biển; chấp hành tốt các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không xâm phạm vùng biển nước ngoài, không khai thác thủy sản sai quy định; tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Qua công tác tuyên truyền, vận động của Chi bộ, mỗi người dân Đông Thịnh giờ đã là một chiến sĩ, một cột mốc sống, là phên dậu bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Để đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2023-2025, xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà) đã lựa chọn thôn Đầm Buôn để xây dựng mô hình thôn thông minh đầu tiên của xã, từ đó nhân ra diện rộng. Xác định, đây là tiêu chí bắt buộc mà các địa phương phải bảo đảm trên hành trình xây dựng NTM kiểu mẫu, từ cuối năm 2022 Chi bộ thôn Đầm Buôn đã triển khai lắp đặt hệ thống mạng wifi kết nối Internet tại Nhà văn hóa, giúp cho thôn tổ chức tốt các hoạt động hội họp, sinh hoạt cộng đồng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch.
Chi bộ chủ động ứng dụng CNTT vào nghiệp vụ công tác Đảng, quản lý đảng viên; lập nhóm zalo để thường xuyên triển khai công việc, trao đổi, theo dõi, nắm bắt thông tin của đảng viên. Trước mỗi buổi sinh hoạt chi bộ, các nội dung cần phổ biến, quán triệt đều được đăng tải vào nhóm zalo để các đảng viên cùng nắm bắt tinh thần chung, chủ động chuẩn bị các ý kiến tham gia xây dựng nghị quyết của Chi bộ.
Ông Đinh Xuân Toàn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đầm Buôn, cho biết: Hiện 99% số hộ dân trong thôn đã sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng trên điện thoại. Để tiến tới xây dựng một xã hội số trong tương lai, Chi bộ thôn đã và đang tích cực vận động nhân dân tiếp cận, cài đặt và sử dụng các dịch vụ số, phục vụ nhu cầu thiết yếu, nhất là mở các tài khoản để khi mua bán không phải thanh toán bằng tiền mặt mà bằng chuyển khoản.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố) theo phương châm “Dân tin – Đảng cử”. Các bí thư chi bộ, trưởng thôn (bản, khu phố) đều là những người có kinh nghiệm, năng lực, trách nhiệm trong công tác, có uy tín với đảng viên và quần chúng nhân dân, bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Nhờ chú trọng phát hiện, quan tâm bồi dưỡng và tạo nguồn kết nạp đảng viên trên địa bàn thôn, khu, nhất là vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiệm kỳ 2022-2025 nhiều địa phương đã quy hoạch và xây dựng được đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn (bản, khu phố) vừa có năng lực, nhiệt huyết, vừa có sức trẻ để có thể “Tròn việc Đảng – Trọn việc dân”.
Ông Nguyễn Ngọc Bằng, Phó Bí thư Thị ủy Đông Triều, chia sẻ, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ thôn, khu trên địa bàn, hằng quý, Thường trực Thị ủy tổ chức giao ban với đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu. Sau đó đội ngũ này sẽ truyền đạt lại những chủ trương, đường lối của Thị ủy, cấp ủy, chính quyền địa phương đến người dân. Thông qua đó, cấp ủy, chính quyền địa phương từ thị xã đến cơ sở sẽ nắm bắt được các thông tin mà người dân tham gia với cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết, mục tiêu lớn mà Đông Triều đề ra trong nhiệm kỳ này.
Với chất lượng đội ngũ bí thư chi bộ, cấp ủy ngày càng được nâng cao, công tác tổ chức, xây dựng Đảng của tỉnh nhiệm kỳ 2022-2025 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng ở cơ sở; đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, hiệu quả; đồng thời khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh trong việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố).