Ngày 18/9, đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe và cho ý kiến về tiến độ thực hiện nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho các KCN chuyên ngành; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp ô tô trên địa bàn tỉnh.
Với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, các KCN của Quảng Ninh đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Hiện toàn tỉnh có 10 KCN đã đi vào hoạt động, chủ yếu tập trung tại các địa phương: Quảng Yên, Hạ Long, Hải Hà và Móng Cái. Đây là những khu vực được quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng với nhiều công trình động lực như cao tốc, cảng biển, cửa khẩu… Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư vận chuyển, giao thương hàng hóa; mở rộng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững. Các dự án trong KCN đã hình thành các chuỗi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch phát triển 23 KCN với tổng diện tích quy hoạch trên 19.000ha. Để các KCN phát huy tiềm năng, thế mạnh, tỉnh đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu cơ chế chính sách ưu đãi cho các KCN chuyên ngành, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.
Trong đó, Tổ đã chủ động rà soát các cơ chế, chính sách hiện có và giao cho các ngành, đơn vị nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù/riêng biệt để áp dụng ưu đãi cho các dự án trong các KCN chuyên ngành trên địa bàn tỉnh; chủ động làm việc với nhà đầu tư đang hoạt động tại tỉnh như KCN Việt Hưng đang được định hướng trở thành KCN ô tô và phụ trợ ngành công nghiệp sản xuất ô tô… để lắng nghe, tổng hợp ý kiến, kiến nghị, đề xuất.
Từ đó, nghiên cứu, đề xuất các chính sách cơ chế đặc thù của tỉnh theo hướng tạo sự yên tâm cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng và thu hút đầu tư mới trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trên cơ sở tổng hợp, tỉnh sẽ xin ý kiến Chính phủ cùng các cơ quan chuyên môn, áp dụng ưu đãi cho các dự án tại các KCN chuyên ngành.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Công nghiệp chế biến, chế tạo được Quảng Ninh xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng và trở thành 1 trong 3 trụ cột chính của nền công nghiệp, động lực của nền kinh tế. Với lợi thế về vị trí địa lý, sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi cùng các chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, Quảng Ninh có nhiều cơ hội phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, công nghiệp chuyên ngành…
Vì thế, trên cơ sở ý kiến tham gia đóng góp tại cuộc họp về xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho các KCN chuyên ngành; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp ô tô trên địa bàn tỉnh; để tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội địa phương, đặc biệt tạo điều kiện phát triển các dự án có đóng góp lớn cho ngân sách, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở KH&ĐT tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quy định hiện hành để tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, riêng có của tỉnh.
Trong đó, cần xác định rõ các KKT trọng điểm, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp mới, công nghệ cao, công nghiệp chuyên ngành như ô tô, linh kiện bán dẫn. Bám sát các định hướng, quy hoạch của tỉnh, đặc biệt khuyến nghị của Bộ KH&ĐT về việc nghiên cứu, xây dựng tại Văn bản số 4781/BKHĐT-QLKKT ngày 19/6/2024 nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để từ đó, báo cáo chủ trương xây dựng Đề án với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Bộ, ngành liên quan và Chính phủ. Giai đoạn trước mắt, có thể nghiên cứu áp dụng ngay các chính sách đối với Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công, Việt Hưng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, nghiên cứu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo hoặc Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ theo đúng tinh thần Nghị quyết 13, ngày 28/4/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và các định hướng của Chính phủ, của Bộ KHCN nhằm áp dụng các cơ chế chính sách cao nhất đối với Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công, Việt Hưng.
Các cơ quan chuyên môn như: Sở KHCN, Thuế, Hải quan tiếp tục tiếp cận với các cơ quan trung ương để nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách, cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đã áp dụng cho các địa phương khác để nghiên cứu, vận dụng, đề xuất xây dựng trong đề án. Tổ công tác nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho các KCN chuyên ngành trên địa bàn tỉnh cần tăng cường phối hợp, thường xuyên rà soát tiến độ, thực hiện đảm bảo các yếu tố nhanh và hiệu quả nhất.