Vườn quốc gia Bái Tử Long nằm trong số không nhiều Vườn quốc gia trên cả nước vừa có diện tích trên cạn (hệ thống đảo nổi có rừng, đất rừng) vừa có diện tích biển (mặt nước biển, vụng áng, bãi triều ngập nước). Thiên nhiên hoang sơ, trong lành khiến cho bất cứ ai từng có cơ hội đặt chân tới đều lưu lại ấn tượng đặc biệt, khó quên.
Rừng ngập mặn tại thung áng Cái Lim trên đảo Trà Ngọ lớn.
Vườn quốc gia Bái Tử Long nằm trong Vịnh Bái Tử Long, thuộc huyện Vân Đồn. Nét khác biệt của Bái Tử Long với vùng Vịnh Hạ Long lân cận là phần đảo nơi đây bao gồm các đảo núi đất xen kẽ đảo đá vôi, với hơn 40 hòn đảo lớn, nhỏ. Khi ngắm từ xa, ta có cảm tưởng đó là những thành luỹ với tầng tầng lớp lớp núi đá chen nhau, xô chồng lên nhau không thể xuyên qua. Ngược lại, khi tới gần lại mở ra vô số đường qua lối lại cho ta mơ ước được khám phá những bí ẩn hàng triệu năm trong đá.
Các đảo của Vườn quốc gia Bái Tử Long chia thành 3 cụm chính: Ba Mùn, Trà Ngọ và Sậu. Trong đó, đảo Trà Ngọ có cấu tạo địa chất khá đặc biệt, một thân đảo có 2 nền địa chất với nguồn gốc hình thành rất khác nhau. Phần Bắc đảo là “núi đất” chiếm diện tích hơn 1/3 đảo. Phần Nam đảo là núi đá vôi, hình thành các vụng kín trong lòng núi, tạo ra những cảnh quan rất đặc sắc và hấp dẫn. Còn Ba Mùn lại là đảo đất lớn nhất trong quần thể đảo của Vườn quốc gia Bái Tử Long. Hiện nay, đảo vẫn là khu rừng có mật độ thú lớn nhất khu vực Đông Bắc Việt Nam…
Với cấu tạo địa hình, địa chất đa dạng nên hệ sinh thái (HST) của Vườn quốc gia rất đa dạng, gồm 6 HST tiêu biểu: HST rừng mưa nhiệt đới trên đảo núi đất; HST rừng mưa nhiệt đới trên đảo núi đá vôi; HST rừng ngập mặn; HST rạn san hô; HST thảm cỏ biển và HST tùng, áng trong lòng núi đá vôi. Nơi đây có nguồn gen đa dạng, gồm cả trên rừng và dưới biển, có thể kể đến các loài như: Nai, Lợn rừng, Beo, Trăn đất, Hổ mang chúa, Thạch sùng mí, Trai lý, Huỳnh đàn lá đối, Kim giao, Lim xanh, Hải sâm, Bào ngư, Rùa biển, Cá heo…
Hang Luồn Cái Đé trong phạm vi Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Qua thống kê chưa đầy đủ của các nhà khoa học và kết quả điều tra, giám sát đa dạng sinh học hàng năm, tính đến năm 2022, đã ghi nhận sự xuất hiện của tổng số 2.415 loài sinh vật, gồm 1.195 loài động thực vật rừng và 1.220 loài sinh vật biển trong Vườn quốc gia Bái Tử Long. Trong đó, tổng số loài đã được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam, loài thuộc danh lục nguy cấp, quý, hiếm là 106 loài.
Bên cạnh giá trị về đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Bái Tử Long còn chứa đựng giá trị cảnh quan tươi đẹp. Hệ thống đảo đá vôi và đảo đất xen kẽ nhau nơi đây đã tạo ra những cảnh sắc tuyệt vời của thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú. Chúng có muôn vẻ dáng hình, cho trí tưởng tượng bay bổng với những đảo đá hình con thiên nga đang bơi lội, chú ngựa đá khổng lồ rồi hòn Thiên Thư, hòn Con Quy, hòn Thạch Mã, hòn Bàn Cờ Tiên… Cùng với đó là những quần thể thực vật tươi tốt quanh năm che phủ trên các dãy núi, những lạch biển trong xanh chạy dài giữa màu xanh của các đảo hai bên. Rồi những bãi cát vàng với vẻ đẹp tinh khôi là những cảnh sắc làm say đắm lòng người, như: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, bãi Dài…
Bãi cát Cồn Trụi là nơi làm tổ và đẻ của loài rùa biển tại xã Minh Châu.
Đặc biệt, trên xã đảo Minh Châu, gần với bãi Chương Nẹp sóng êm, cát mịn dài hàng cây số còn phải kể tới bãi cát Cồn Trụi là nơi làm tổ và đẻ của loài Vích – một trong những loài Rùa biển được bảo vệ cấp toàn cầu. Bãi cát Cồn Trụi nhìn qua cũng rất đẹp nhưng khá nguy hiểm với con người vì độ dốc lớn, khi bồi, khi lở… nhưng lại rất an toàn cho việc sinh sản của rùa biển. Lâu nay, chúng không quay lại đây sinh sản vì có tác động của con người ở khu vực lân cận nhưng bãi cát vẫn được khoanh lại, đặt biển cấm tắm để chờ những chú rùa quay trở lại…
Qua tìm hiểu được biết, Vườn quốc gia Bái Tử Long hiện đã xây dựng được trụ sở Hạt kiểm lâm tại xã Minh Châu, 3 trạm kiểm lâm tại Cái Lim, Ba Mùn, Lách Chè và 1 Trạm kiểm lâm cơ động. Các đơn vị được trang bị 3 xuồng cao tốc và thường xuyên tổ chức tuần tra trên tuyến biển nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động xâm hại đến tài nguyên, bảo tồn nguyên vẹn giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan của Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Cùng với đó, đơn vị đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, trường đại học và viện nghiên cứu để điều tra, đánh giá đa dạng sinh học làm cơ sở triển khai các dự án bảo tồn và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, triển khai những hoạt động tuyên truyền, giáo dục môi trường nhằm nâng cao nhận thức trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị của Vườn quốc gia Bái Tử Long.