Hiện giá xăng RON95 đã gần 26.000 đồng/lít, đây là mức cao nhất trong vòng một năm qua. Việc này đã kéo giá nhiều mặt hàng thiếu yếu, rau củ tại TPHCM tăng theo.
Giá thực phẩm thiết yếu tăng
Hơn 1 tuần qua, cứ 3 ngày chị Lê Thanh Diệp (ngụ quận Bình Thạnh) mới đi chợ 1 lần do giá của một số mặt hàng thiết yếu tăng nhẹ từ 5-10%.
“Ban đầu, tôi không để ý nhưng thời gian gần đây mỗi lần đi chợt thấy tốn tiền nhiều hơn trước để mua cũng từng đấy thực phẩm cho gia đình” – chị Diệp cho biết thêm.
Theo khảo sát của Lao Động, tại một số chợ truyền thống trên địa bàn như chợ Cây Xoài, chợ Tam Bình (TP Thủ Đức), chợ Nguyễn Tri Phương (Quận 10), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… cho thấy, hầu hết các loại rau xanh đều tăng giá từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Đặc biệt, các loại rau ăn sống như xà lách, rau thơm, cà chua, dưa leo, ớt, hành lá… tăng cao.
Cụ thể, hành lá 50.000 đồng/kg, xà lách 30.000 đồng/kg, dưa leo 12.000 đồng/kg, hành tây 20.000 đồng/kg… Một số loại rau củ khác như đậu que, đậu bắp, bầu, bí… vẫn bình ổn giá, dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Các tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cho hay, giá rau củ tăng, nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí vận chuyển tăng theo.
Ngoài ra, mưa kéo dài khiến rau củ từ Đà Lạt và các tỉnh thành lân cận bị thiếu hụt nguồn hàng.
“Giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến chi phí vận chuyển, hiện giá rau củ tăng khoảng 30-40% so với thời điểm cách đây một tháng” – chị Oanh, một tiểu thương hàng rau chợ Bà Chiểu nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thuý, tiểu thương ngành hàng thịt tại chợ Bà Chiểu cho hay: “Hiện nay, giá thịt lợn tăng khoảng 10.000 đồng/kg tùy loại. Chẳng hạn, nạc từ 90.000 đồng/kg, tôi phải bán lên 100.000 đồng/kg… Tôi bán quen giá rồi nên khi đột ngột tăng cao khiến khách khi mua hàng có phần e dè hơn. Giá xăng dầu tăng cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá thịt”.
Nỗ lực bình ổn giá hàng hoá
Phía các hệ thống siêu thị TPHCM cho biết, hơn 2 tháng nay, một số đơn vị đã nhận được đề nghị từ các nhà cung cấp về việc điều chỉnh tăng giá bán hàng hoá vì giá xăng dầu, chi phí logistics, nguyên liệu đầu vào tăng… Để kiểm soát giá bán, các nhà bán lẻ đã làm việc trực tiếp với nhà cung cấp để có giá tốt nhất, đồng thời tăng khuyến mãi hỗ trợ người tiêu dùng.
Đánh giá về thị trường hàng hoá hiện nay, ông Nguyễn Đặng Hiến – Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu và một số nguyên liệu đầu vào tăng, việc tăng giá các mặt hàng chỉ là vấn đề sớm muộn.
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, đơn vị đang phối hợp với các sở, ban ngành, doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình bình ổn, giảm giá, khuyến mãi để hạn chế tình trạng tăng giá hàng hóa.
Đồng thời, Sở cũng sẽ giám sát chặt chẽ việc niêm yết giá, nhằm ổn định thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” khi giá xăng dầu tăng.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương TPHCM cũng có văn bản đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu; chủ động thực hiện các giải pháp, đảm bảo nguồn cung, mức dự trữ theo quy định, chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối để đảm bảo không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu ra thị trường.