Đây có thể xem là nỗ lực vượt bậc của du lịch tỉnh nhà khi mà cơ sở hạ tầng du lịch của nhiều địa phương, doanh nghiệp bị siêu bão Yagi phá tan hoang chỉ sau vài giờ cuồng nộ tiến vào Quảng Ninh. Giờ đây, bức tranh du lịch Quảng Ninh vẫn còn nhiều gam màu trầm nhưng đã le lói những điểm sáng đáng khích lệ.
Sức tàn phá đáng sợ
Sức tàn phá của bão Yagi cho tới giờ vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người dân, doanh nghiệp. Theo đánh giá chung của ngành du lịch thì chỉ thống kê sơ bộ các thiệt hại cũng cho ra những kết quả đáng sợ.
Trong đó, khối cơ sở lưu trú du lịch bị thiệt hại từ cơ sở quy mô nhỏ, nhà nghỉ cho tới các cơ sở lưu trú cao cấp 4-5 sao. Lớn nhất có lẽ là khu vực TP Hạ Long khi các cơ sở lưu trú trên bờ đều bị thiệt hại liên quan đến vỡ kính, vỡ ngói mái nhà biệt thự, gió lùa làm sập, hỏng trần, hỏng đồ đạc trong phòng nghỉ, khu vực sảnh đón tiếp, nhà hàng, quầy bar, khu vực phụ trợ. Cùng với đó là việc gãy đổ cây xanh, cột đèn trong khuôn viên cho tới hư hỏng hệ thống điện, điều hòa, nước…
Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đã khôi phục hoạt động đón khách du lịch sau bão Yagi. Ảnh: Đỗ Phương
Khối các nhà hàng, cửa hàng, điểm mua sắm, cơ sở kinh doanh, cửa hàng lưu niệm vốn nhiều điểm chủ yếu là sử dụng vật liệu khung thép, mái tôn, vật liệu đơn giản đều bị sập, tốc bay, đổ vỡ, hư hỏng nặng, thậm chí không ít cơ sở bị hư hỏng hoàn toàn. Một số điểm du lịch trọng điểm như: Bảo tàng Quảng Ninh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, khu vui chơi giải trí Sunworld, Khu du lịch Tuần Châu… bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất…
Các cơ sở dịch vụ du lịch, quản lý trên Vịnh Hạ Long cũng rơi vào tình trạng tương tự. Qua thống kê của đơn vị cho thấy, hầu hết các điểm quản lý, điều hành trên vịnh của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long bị tốc mái, hư hỏng, chìm đắm. Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn bị hư hỏng nặng, 15 nhà bè bảo tồn tại Cửa Vạn bị chìm hoàn toàn. Lan can đá cầu bến dẫn lên động Thiên Cung bị gãy đổ. Nhiều thiết bị máy móc, biển, bảng nội quy bị gãy hỏng. Cây cảnh tại các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long bị gãy đổ gần như hoàn toàn.
Tài sản của người dân, doanh nghiệp tại các điểm dịch vụ chèo đò, kayak tại các khu vực Ba Hang, Cống Đỏ, Cửa Vạn, Hang Luồn, Vung Viêng trên Vịnh Hạ Long bị thiệt hại nặng. Hệ thống các cảng tàu du lịch đều bị hư hại ít nhiều. Trong đó, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu bị hư hỏng phần mái. Các văn phòng trụ sở làm việc, đón tiếp khách của các doanh nghiệp tại cảng đều bị hư hỏng. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long bị trôi dạt toàn bộ phần pontong bến số 3, bến số 2 bị đắm 2 pontong. Các doanh nghiệp, chủ tàu du lịch tiếp tục điêu đứng sau bão khi có tới 27 tàu du lịch và 4 tàu chuyển tải bị đắm, một số tàu bị hư hỏng nhẹ.
Khu du lịch Quảng Ninh Gate đang tập trung toàn lực tu sửa, dọn dẹp, vệ sinh môi trường để có thể đón khách trở lại trong tháng 10.
Cùng với Hạ Long, ở các địa phương khác cũng ghi nhận những thiệt hại đáng kể cả về cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, hệ thống cây xanh cảnh quan tạo vẻ xinh đẹp cho các điểm đến trên địa bàn. Đơn cử, như tại Khu du lịch Quảng Ninh Gate (TX Đông Triều) có diện tích 20ha, gồm cả hệ thống vui chơi giải trí, resort… nằm ven con sông Vàng Chua.
Chị Nguyễn Thị Trang, Giám đốc điều hành Khu du lịch Quảng Ninh Gate, chia sẻ: Bão vào thì cây gãy đổ, mái lá, mái ngói, tôn bay tan tác mà sau bão mấy ngày vừa kịp dọn qua thì nước sông dâng cao lên tới cả mét, gây ngập lụt toàn bộ khu du lịch. Nước lên thì canh nước chuyển đồ mà sau khi nước rút thì điện, nước chưa có, lại canh để thau rửa toàn bộ cơ sở vật chất trên diện tích rộng lớn như thế. Các phòng ốc, trang thiết bị ngâm sâu trong nước lâu ngày nên việc thau rửa, khắc phục rất vất vả. Thiệt hại của Quảng Ninh Gate lớn lắm. Chúng tôi đang huy động cán bộ, nhân viên ở tất cả các đơn vị thành viên cùng hỗ trợ để dọn dẹp, sửa sang, khắc phục từng phần để đầu tháng 10 tới có thể đón khách trở lại…
Khắc phục lâu dài
Những thiệt hại về du lịch sau bão Yagi là khó có thể đong đếm hết được, nhất là khi các doanh nghiệp kinh doanh du lịch còn chưa phục hồi hoàn toàn sau khi đại dịch Covid-19 qua đi. Việc khắc phục cũng sẽ là câu chuyện lâu dài, tuy nhiên với nền tảng vững vàng, tinh thần mạnh mẽ của ngành du lịch đã có bề dày phát triển ở Quảng Ninh, cho chúng ta niềm hy vọng vào sự khởi sắc, cơ hội phục hồi ngoạn mục trong thời gian tới.
Du khách trải nghiệm dịch vụ tại Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử sau bão Yagi. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Tính đến ngày 13/9, toàn tỉnh có 11/12 huyện, thị xã, thành phố có khu, điểm du lịch được công nhận đã sẵn sàng đón khách trở lại sau khi nhanh chóng dọn dẹp, củng cố. Trong đó như 2 khu du lịch Bình Liêu, Cô Tô, là vừa khắc phục ảnh hưởng bão vừa đón khách. 67/87 điểm du lịch sẵn sàng đón khách trở lại.
TP Hạ Long có 39 khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao với 8.572 buồng phòng, trong đó có 5.196 phòng sẵn sàng đón khách (chiếm 60% tổng số phòng). Có 36 khách sạn vừa sửa chữa, vừa đón khách (chiếm 85%). Khối cơ sở lưu trú du lịch từ 1-3 sao và đạt tiêu chuẩn vẫn sẵn sàng đón khách với khoảng 580 khách sạn, gồm 8.540 phòng.
Bên cạnh đó, hệ thống các nhà hàng lớn, kiên cố tại khu vực Bãi Cháy và khu vực Hòn Gai vẫn hoạt động bình thường. Nhiều cửa hàng lưu niệm, cơ sở bán hàng phục vụ khách du lịch đã sẵn sàng mở cửa trở lại; nhiều quán cafe, ăn đêm hoạt động bình thường.
Tại các địa phương như Móng Cái, Hải Hà, Uông Bí, 100% cơ sở lưu trú sẵn sàng đón khách; 30% cơ sở lưu trú với 60% tổng số phòng toàn huyện Cô Tô sẵn sàng đón khách; một số cơ sở trong bờ tại Vân Đồn cũng đã sẵn sàng phục vụ…
Điều đó cho thấy nỗ lực rất lớn của các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch trên địa bàn. Đơn cử như Legacy Yên Tử mặc dù chịu ảnh hưởng của việc ngập lụt do nước suối dâng cao, hệ thống cây xanh bị gãy đổ, điện, nước, viễn thông bị mất kéo dài… nhưng đã nhanh chóng khắc phục để có thể đón khách trong và ngay sau bão. Các doanh nghiệp như Công ty CP Ngọc trai Hạ Long cũng tạm gác nỗi lo về các khu trang trại nuôi trai ngọc trên vịnh bị tàn phá, khẩn trương dọn dẹp, sửa chữa 2 cửa hàng trưng bày, nuôi cấy và trải nghiệm nghề nuôi trai lấy ngọc bị bão thổi bay mái, vỡ các cửa kính… để có thể đón khách sau 3 ngày bão qua.
Du thuyền Grand Pioneers không bị ảnh hưởng bởi bão, nằm trong số 315 tàu du lịch sẵn sàng đón khách tham quan, lưu trú trên Vịnh Hạ Long.
Ngay cả Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và 2 Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Hạ Long, ít nhiều đều bị hư hại nhưng đã sớm vận hành trở lại. Các tàu du lịch nhanh chóng chỉnh trang lại cơ sở vật chất, sẵn sàng hoạt động 315/359 tàu tại cả 2 cảng, chiếm 88%, gồm cả tàu tham quan, tàu nhà hàng và tàu lưu trú, nghỉ đêm.
Mặc dù chưa phải là tất cả nhưng một số điểm đến trong hành trình tham quan Vịnh Hạ Long cũng nhanh chóng được kiểm tra, rà quét luồng để sẵn sàng đón khách, gồm cả các điểm tham quan và điểm ngủ đêm trên vịnh. Và từ ngày 13/9, tàu du lịch đã được cấp lệnh tiếp tục đưa khách tham quan, lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long…
Hoạt động du lịch của Quảng Ninh đã khôi phục trở lại nhanh chóng sau bão Yagi là điều có thể nhìn thấy dễ dàng. Tuy nhiên, qua đánh giá cũng cho thấy, ảnh hưởng của bão số 3 sẽ dẫn đến suy yếu năng lực tài chính của các doanh nghiệp ở nhiều mức độ khác nhau, ảnh hưởng về nhiều mặt đối với tỉnh, tác động tới việc làm, thu nhập của hàng ngàn lao động.
Vì vậy, việc tiếp sức cho doanh nghiệp, người làm du lịch có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại trong thời gian tới rất cần được sự quan tâm thiết thực, sự đồng lòng, chung sức của tỉnh, các cơ quan có trách nhiệm cũng như cần nỗ lực của mỗi cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn. Việc hỗ trợ không chỉ trong chốc lát, trước mắt mà thiết nghĩ cần có lộ trình, giải pháp về lâu dài để doanh nghiệp du lịch có nền tảng đảm bảo cho sự phát triển thực sự bền vững…