Khi Vũ đứng trên sân khấu một lễ trao giải ở Hong Kong (Trung Quốc) và hát một câu tiếng Quảng trong phần song ca cùng ban nhạc pop rock địa phương khá tên tuổi Dear Jane, khán đài vỗ tay rào rào.
Trước đó, Vũ và Tim Wong (ca sĩ chính của Dear Jane) hát ca khúc tiếng Việt Những lời hứa bỏ quên cũng nhận được sự yêu mến.
Chưa thể biết rằng phản ứng hào hứng của khán giả có thể dễ tới một sự nghiệp dài hơi hơn của Vũ ở Hong Kong hay không.
Hay đó chỉ đơn giản là sự phấn khích nhất thời khi thấy một ca sĩ nước ngoài hát bằng tiếng Quảng, bởi với sự thu hẹp ảnh hưởng văn hóa đại chúng của Hong Kong trong hai thập niên gần đây, việc tiếng Quảng được một người nước ngoài lựa chọn hẳn mang tới cảm giác thích thú kỳ lạ.
Nhưng dù sao đi nữa, Vũ cũng đã giới thiệu được một sáng tác Việt với 10.000 khán giả bên dưới. Phải có bước đầu tiên đã, rồi mới nghĩ tới những bước tiếp theo.
Phải thử mới biết
Những ngày qua, Chi Pu phát hành MV Finding you với hai phiên bản tiếng Trung và Việt, đồng thời phát hành ở hai thị trường.
MV là một phép thử lớn của Chi Pu hậu Tỉ tỉ đạp gió rẽ sóng. Bởi như muôn đời, nổi tiếng nhờ game show không dễ nhưng cũng không khó, với sự cộng gộp của những yếu tố ngoài âm nhạc: mối quan hệ giữa những thành viên đình đám tham gia game show, hiệu ứng sân khấu biểu diễn, sức hấp dẫn của cảm giác “exotic” (vẻ kỳ lạ của một nền văn hóa bên ngoài), bệ đỡ của truyền thông cho cả một chương trình.
Nhưng khi tự bước ra ngoài với hoạt động riêng, tất cả những lợi thế đó đều không còn nữa.
Ngay cả cảm giác “exotic”, từ một ưu thế của Chi Pu cũng có thể trở thành bất lợi, khi mà khả năng phát âm tiếng Trung của cô còn cứng và năng lực ca hát thì không còn một hiệu ứng sân khấu nào trang điểm được.
Khán giả Trung liệu có đón nhận Chi Pu như một ca sĩ độc lập, hay vẫn chỉ coi cô là nhân tố “lạ” của một show truyền hình, điều đó còn phải chờ xem. Song một lần nữa, phải thử mới biết, và Chi Pu đã thử.
Dù thế nào, Chi Pu hay Vũ đã quá thông minh khi lựa chọn thị trường gần để thử sức.
Những lời hứa bỏ quên cùng một tệp âm thanh với tình ca Hong Kong, giai điệu mềm mại, không cần hiểu lời cũng cảm thấy sự si tình trào ra trong từng câu hát.
Trong khi đó, Finding you là một bản R”n’B tiết tấu chậm rãi, nhẹ nhàng, không có gì đặc sắc nhưng cũng dễ nghe, chắc chắn khi sáng tác thì Hứa Kim Tuyền đã có sự nghiên cứu sở thích của thị trường xứ tỉ dân.
Không thể một tấc đến trời
Giả sử những ca khúc ấy đem tới những nền âm nhạc xa xôi hơn, với gu nhạc sắc sảo, chắc nảy hơn thì chưa chắc đã để lại dấu ấn gì.
Và có lẽ, cũng không phải ngẫu nhiên mà Vũ trụ cò bay của Phương Mỹ Chi gần đây lại được yêu thích ở Thái Lan – chính sự đồng điệu về chất liệu âm nhạc dân gian với giai điệu luyến láy khiến người ta dễ dàng cảm nhận được nó hơn.
Sẽ rất khó tưởng tượng thị trường Âu Mỹ có thể ngay lập tức đánh giá đúng được những ca khúc như vậy.
Ngay cả với K-pop, nền công nghiệp âm nhạc hàng đầu thế giới hiện nay, thì trước khi bước ra thế giới theo nghĩa toàn thể, họ cũng phải chinh phục thế giới theo nghĩa cục bộ đã.
Nghĩa là trước khi mở rộng đế chế của mình sang thị trường Âu – Mỹ, K-pop đã chinh phục đủ các nước láng giềng: thị trường Trung Quốc, Đông Nam Á và thậm chí, thị trường khó tính nhất vì đã có sẵn quá nhiều anh tài, Nhật Bản.
Đến K-pop cũng không thể một tấc đến trời, vì thế sẽ là viển vông nếu cho rằng ta có thể khiến những nền văn hóa hoàn toàn khác biệt với gu âm nhạc xa cách quan tâm tới mình, trong khi đến cả những nền văn hóa gần gũi hơn, với gu âm nhạc tương đồng hơn còn chưa quan tâm lắm.
Có lẽ đó là bài học mà K-pop đã hướng dẫn cho tất cả những nền âm nhạc địa phương đang khát khao bước ra ánh sáng: mơ xa nhưng những điểm đến đầu tiên phải gần.
Vũ, Phương Mỹ Chi và Chi Pu đã đi ra thế giới ra sao?
Những lời hứa bỏ quên nằm trong album phòng thu thứ ba sẽ ra mắt trong năm nay của Vũ. Ca khúc do tay guitar kiêm ca sĩ của ban nhạc Dear Jane là Howie sáng tác phần giai điệu và phụ trách phối khí và do Vũ viết lời.
Với sở trường của Dear Jane là pop punk, pop rock, tuy không quá gần với phong cách âm nhạc của Vũ nhưng ở đây, hai bên lại gặp nhau ở tinh thần lãng mạn và niềm say đắm với những xúc cảm tương tư.
Sau khi song ca cùng minh tinh Huỳnh Hiểu Minh trong một chương trình chào năm mới của Đài Hồ Nam, Chi Pu có sản phẩm âm nhạc tiếng Trung đầu tiên là Finding You, hiện đạt hơn 500.000 lượt xem trên tài khoản Weibo cá nhân của cô.
Với một thị trường rộng lớn và vô tận như Trung Quốc, không cần phải trở thành một “lưu lượng” top đầu mà chỉ cần duy trì sự hiện diện và chiếm được một thị phần rất nhỏ là đã đủ để tồn tại.
Với hai phiên bản lọt vào danh sách ca khúc viral ở Spotify Thái Lan, Vũ trụ cò bay là ca khúc chủ đề của album cùng tên do Phương Mỹ Chi phát hành vào năm ngoái, là sự chuyển tiếp mượt mà giữa một Phương Mỹ Chi “cô bé dân ca” và Phương Mỹ Chi “nghệ sĩ thế hệ Z”.
Sự phức tạp trong quá trình trưởng thành của Mỹ Chi, hay của một thế hệ Z sinh ra ở miền quê được phản chiếu trong âm quyển bài hát: vừa có cảm thức nông thôn với thấp thoáng âm hưởng cải lương vừa có cảm thức đô thị với các dòng nhạc tân thời.