11 tháng, Việt Nam xuất khẩu trên 1,57 triệu tấn phân bón, tương đương gần 644,46 triệu USD, tăng 13,7% về khối lượng, tăng 11,6% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2024 cả nước xuất khẩu hơn 1,57 triệu tấn phân bón các loại, tương đương gần 644,46 triệu USD, giá trung bình 410 USD/tấn, tăng 13,7% về khối lượng, tăng 11,6% về kim ngạch nhưng giảm nhẹ 1,8% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 11/2024 xuất khẩu 130.728 tấn phân bón các loại đạt 53,83 triệu USD, giá 411,8 USD/tấn, giảm 11,4% về khối lượng, giảm 10% kim ngạch nhưng tăng 1,5% về giá so với tháng 10/2024; so với tháng 11/2023 thì tăng mạnh 56,5% về lượng, tăng 43,9% kim ngạch nhưng giảm 8% về giá.
Về thị trường, phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm trên 34% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 536.161 tấn, tương đương 219,51 triệu USD, giá trung bình 409,4 USD/tấn, tăng 8,4% về lượng, tăng 5,5% kim ngạch nhưng giá giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 11/2024, xuất khẩu phân bón sang thị trường này đạt 57.609 tấn, tương đương 22,14 triệu USD, giá trung bình 384,3 USD/tấn, giảm 3,5% về lượng, giảm 4,5% kim ngạch và giá giảm 1,1% so với tháng 10/2024.
Đứng sau thị trường chủ đạo Campuchia là thị trường Hàn Quốc đạt 188.258 tấn, tương đương 76,18 triệu USD, giá trung bình 404,7 USD/tấn, tăng mạnh 211,9% về lượng, tăng 230,6% kim ngạch và tăng 6% về giá, chiếm gần 12% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Xuất khẩu sang thị trường Philippines đạt 96.438 tấn, tương đương 41,33 triệu USD, giá trung bình 428,6 USD/tấn, tăng 83,2% về lượng, tăng 73% kim ngạch và giá giảm 5,6%, chiếm 6,1% trong tổng khối lượng và chiếm 6,4% trong tổng kim ngạch.
Thứ tư là xuất khẩu sang thị trường Malaysia chiếm 6,38% trong tổng khối lượng và chiếm 5,92% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 100.299 tấn, kim ngạch đạt 38,16 triệu USD, tăng 15,79% về khối lượng, tăng 29,26% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu phân bón sang một số thị trường có mức tăng mạnh về kim ngạch như Lào, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản với mức tăng lần lượt là 42,43%, 605,24%, 316,89%.
Giá phân bón thế giới tháng 11/2024 giảm do nhu cầu ở mức thấp trong khi nguồn cung dồi dào. Cùng xu hướng chung với thế giới, giá Urea trong nước giao dịch chậm hầu hết tại các khu vực trong khi nguồn cung dồi dào.
Cụ thể, giá một số chủng loại phân bón như sau: Tại các tỉnh phía Bắc, giá Urea Phú Mỹ giảm 3,3% so với tháng trước, xuống còn 11.700 đ/kg, nhưng vẫn tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2023; giá Urea Trung Quốc giảm 1,9% so với tháng trước và giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2023 xuống còn 10.600 đ/kg; giá Lân Lào Cai là 4.100 đ/kg.
Tương tự, tại Đà Nẵng, giá Urea Phú Mỹ giảm 2,5% so với tháng trước, xuống còn 11.600 đ/kg; giá Urea Trung Quốc giảm 1,9% so với tháng trước và giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2023 xuống còn 10.600 đ/kg; giá Lân Lào Cai là 4.100 đ/kg.
Tại Quy Nhơn, giá Urea Phú Mỹ giảm 2,5% so với tháng trước, xuống còn 11.600 đ/kg; giá Urea Trung Quốc giảm 1,9% so với tháng trước và giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 10.600 đ/kg; giá Lân Lào Cai là 4.100 đ/kg.
Tại TP. Hồ Chí Minh, giá Urea Phú Mỹ giảm 1,7% so với tháng trước và giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 11.300 đ/kg; giá Urea Trung Quốc giảm 2,8% so với tháng trước và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 10.400 đ/kg; giá Lân Lào Cai là 4.200 đ/kg.
Tại Tiền Giang, giá Urea Phú Mỹ giảm 2,8% so với tháng trước và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 11.400 đ/kg; giá Urea Trung Quốc giảm 2,8% so với tháng trước và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 10.500 đ/kg; giá Lân Lào Cai là 4.200 đ/kg.
Nhu cầu tiêu thụ cho lúa Đông Xuân 2024-2025 tại Đồng bằng sông Cửu Long đang dần gia tăng khi diện tích gieo sạ gia tăng. Cộng với mặt hàng nông sản được giá là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ phân bón Việt Nam. Thời tiết thuận lợi và giá các loại nông sản ở mức cao sẽ là điều kiện tốt giúp người nông dân tăng cường chăm bón cho cây trồng, nâng cao năng suất, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón.
Dự báo xu hướng sử dụng phân bón hóa học và phân bón hữu cơ trong giai đoạn 2024-2029 sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,5% – 6,7% phản ánh xu hướng chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.
Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) dự báo, nhu cầu tiêu thụ phân Ure tăng 6% trong giai đoạn 2024 – 2028. Riêng tại Việt Nam, dự báo nhu cầu tiêu thụ Urea trong 2024 tăng khoảng 13% so với niên vụ 2022 – 2023 nhờ xuất khẩu nông sản Việt Nam tích cực.
Bên cạnh đó, xuất khẩu phân bón dự báo sẽ phục hồi, đặc biệt tại các thị trường truyền thống như Campuchia, Hàn Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng đang mở rộng thị trường sang châu Âu, nơi có các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cao hơn.