Xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 9 tháng vừa qua, đạt 1,46 tỷ USD tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh
Cá tra chế biến trong 9 tháng vừa qua ghi nhận mức tăng mạnh 42%, cá tra nguyên con đông lạnh tăng 24%. Hầu hết các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng khá tích cực như Hoa Kỳ, Brazil, Thái Lan.
Đáng chú ý, Mexico, tiếp tục dẫn đầu khối thị trường CPTPP về tiêu thụ cá tra Việt Nam với 55 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu cá tra trong quý IV sẽ tiếp tục khả quan do nhu cầu tăng trong dịp lễ hội cuối năm.
Người nuôi cá tra giống duy trì sản xuất
Dù có tín hiệu tích cực, nhưng ngành cá tra vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Bao gồm sự phân bố vùng nuôi không đồng đều, hạ tầng chưa đồng bộ, chi phí đầu vào gia tăng trong khi giá bán lại thấp. Điều này dẫn đến việc người nuôi thua lỗ xảy ra với cả người nuôi cá thịt và cá giống.
Nếu như hồi đầu năm, cá tra giống loại 30 con/kg có giá bán khoảng 42.000 đồng thì nay chủ ao chỉ bán được 27.000 đồng. Điều đáng lo ngại là trong khi giá cá thịt có dấu hiệu phục hồi thì giá cá giống lại liên tục sụt giảm, không theo qui luật.
Những ngày qua, giá cá tra thịt ở ĐBSCL được thương lái thu mua ở mức 27.000 – 28.000 đồng/kg, bằng với giá cá giống. Đây được xem là nghịch lí, bởi sản xuất cá giống phải đối mặt với nhiều khó khăn, tỉ lệ hao hụt cao, có nơi lên đến 50%. Càng khó khăn hơn khi hệ số chuyển đổi thức ăn ngày càng tăng, đội giá thành cho 1kg cá giống lên đến 32.000, thậm chí 35.000 đồng/kg.
Ở những vùng chuyên sản xuất giống như Tháp Mười, Hồng Ngự của Đồng Tháp hay ở những vùng chuyên nuôi cá thịt ở Ô Môn, Thốt Nốt của TP Cần Thơ hay An Giang, Tiền Giang… số hộ bám nghề giờ đã không còn nhiều.
Phần lớn chuyển sang canh tác cây, con khác hoặc bỏ ao trống chờ ngày thị trường hồi phục. Bởi với ngành hàng này, càng đeo đuổi trong những lúc khó khăn, nợ nần sẽ càng chồng chất.
Giải pháp phát triển giống cá tra
Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao chất lượng giống cá tra là yêu cầu tất yếu. Đây cũng là chủ đề chính của “Hội nghị bàn giải pháp phát triển giống cá tra ứng phó với biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế” vừa được Bộ NN-PTNT tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp.
Theo số liệu công bố tại hội nghị, hiện nay, cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, nhưng chỉ có 2 cơ sở được Cục Thuỷ sản cấp chứng nhận. Năm 2024, số cơ sở ngừng hoạt động khá lớn, chiếm khoảng 1/5 tổng số cơ sở. Đáng lo ngại là chưa có cơ sở nào đăng ký, thực hiện và được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Chỉ có 18 cơ sở thực hiện công bố hợp quy theo quy định.
Ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: “Hiện nay nhu cầu về giống rất cấp thiết. Chất lượng con giống hiện nay đang có nhiều vấn đề. Tỷ lệ cá bột ương lên cá giống rất là thấp, chỉ đạt khoảng 6 đến 7%. Làm sao phải nâng cao chất lượng lên”.
“Qua những nghiên cứu có thể thấy rằng là khi áp dụng khoa học công nghệ thì có thể tăng tỷ lệ sống lên 20% trong toàn bộ quy trình ương cá bột thành cá giống. Sau hội nghị này chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ để giúp ngành hàng cá tra có thể tăng tỷ lệ sống trong quá trình ương dưỡng và truy xuất nguồn gốc”, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Bên cạnh việc áp dụng công nghệ tăng tỷ lệ sống trong quy trình sản xuất giống, các đại biểu cũng cho rằng, con giống tốt là yếu tố quyết định để có con cá tra hoàn hảo đạt chất lượng sạch bệnh từ ao nuôi đến xuất khẩu. Muốn đạt được điều đó, trước nhất ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương phải quản lý chặt các cơ sở sản xuất giống cá tra.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Giống quyết định năng suất và chất lượng nông sản nói chung và cá tra nói riêng. Đây là vấn đề mà Bộ đã giao cho các đơn vị. Phải siết chặt công tác quản lý. Cơ sở nào đủ điều kiện mới cấp phép”.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng một cách bài bản cho các vùng ương nuôi cá giống và cả nuôi thương phẩm. Bên cạnh đó, thực hiện đề án cá tra 3 cấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đồng bộ, hiệu quả nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao ổn định cung, cầu về sản xuất giống.