Triển vọng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục khả quan.
Thông tin trên là nhận định của các hiệp hội, tổ chức quốc tế lớn như HSBC, EuroCham, Standard Chartered… Bên cạnh số lượng thì chất lượng dự án đang cải thiện rõ nét nhờ sự chủ động trong chiến lược lựa chọn, mời gọi nhà đầu tư hướng vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và năng lượng.
Chuỗi dự án khí – điện Lô B – Ô Môn là dự án lớn nhất ngành dầu khí Việt Nam và cũng là dự án năng lượng trọng điểm quốc gia, với tổng vốn đầu tư lên tới 12 tỷ USD. Ngay khi dự án bước vào giai đoạn triển khai tổng thể, được đồng bộ các gói thầu, nhà đầu tư Nhật Bản đã tăng cường nhân sự kỹ thuật, chuyên môn đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cùng chủ đầu tư Việt Nam để có thể đón dòng khí đầu tiên vào năm 2027.
Ông Naoki Ishii – Giám đốc Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Mitsui Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi rất vinh dự được tham gia vào dự án đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng có ý nghĩa của Việt Nam. Đây là dự án đầu tư dài hạn, yêu cầu lượng vốn lớn và kéo dài. Khung khổ pháp lý ổn định có vai trò rất quan trọng để đảm bảo việc đầu tư của chúng tôi không bị gián đoạn, giúp các đối tác tham gia đảm bảo đúng tiến độ thực hiện”.
Đang ngày có càng nhiều dự án của doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản đầu tư mới và mở rộng quy mô trong các ngành sản xuất năng lượng phát thải thấp, công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Trong đó chứng khiến sự gia tăng dòng đầu tư qua hình thức góp vốn, mua cổ phần. Điều này cũng có nghĩa là nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm đối tác trong nước thực sự có năng lực.
Ông Phạm Xuân Phúc – Tổng Giám đốc Công ty Điều hành dầu khí Phú Quốc (PQPOC) cho biết: “Tập đoàn dầu khí Việt Nam, các tổng thầu, cũng như sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài tham gia vào chuỗi dự án, áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất, liên tục đổi mới, nghiên cứu áp dụng chuyển đổi số vào công tác điều hành quản trị của dự án”.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, việc triển khai đồng bộ các chính sách thu hút FDI chất lượng cao, xanh hóa ở các địa phương như công nghệ, chuỗi giá trị, ưu đãi thuế giúp nhà đầu tư tự tin chuyển đổi cả số và xanh, qua đó hình thành các khu công nghiệp xanh ở Việt Nam. Một số doanh nghiệp tin tưởng mức doanh thu năm nay có thể tăng tới 40%.
Ông Bruno Jaspaert – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đánh giá: “Tôi nhận thấy nhiều cơ hội cho doanh nghiệp châu Âu khi Việt Nam đẩy nhanh chuyển dịch năng lượng xanh, các nguồn năng lượng bền vững và quan trong nữa là tháo gỡ về cơ chế cho các dự án. Như vậy, một lượng vốn lớn từ các dự án năng lượng được đưa nhanh vào thực hiện, cùng với đó là hạ tầng đồng bộ sẽ tạo ra sức thu hút lớn cho nhà đầu tư”.
Theo các tổ chức quốc tế, các quyết sách mạnh mẽ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đồng bộ các trục giao thông huyết mạch, hay xây dựng trung tâm tài chính.. đang tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn giúp Việt Nam nâng cao vị thế thu hút FDI so với nhiều quốc gia trong khu vực.