Cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip đang khiến các doanh nghiệp toàn cầu tìm kiếm địa điểm đầu tư công nghệ cao.
Tốc độ giải ngân của các dự án FDI tại Việt Nam đạt khá cao, khi 2 tháng qua vốn FDI thực hiện ước đạt 2,8 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ trong 5 năm qua. Điều này cho thấy nhu cầu đầu tư mới và mở rộng quy mô nhà xưởng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng như các tập đoàn công nghệ cao trên thế giới tiếp tục tăng tại Việt Nam. Đây cũng là nhận định mới đây của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam. Có được kết quả này là nhờ nhiều địa phương đã có sự chủ động cao trong thu hút dòng vốn này.
Nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Tập đoàn Amkor Technoly đang vận hành thử nghiệm. Đây là 2 trong số 20 địa điểm sản xuất chip của tập đoàn trên toàn cầu được đầu tư xây mới 100% và sẽ trở thành trung tâm sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới của tập đoàn.
“Nhà máy tại tỉnh Bắc Ninh là nhà máy tiên tiến, hiện đại nhất của chúng tôi trên toàn cầu cho nên nhiều khách hàng rất quan tâm đến dự án lần này và đã đến đây kiểm chứng công nghệ kĩ thuật. Phải nói là tiến độ triển khai dự án rất nhanh. Hàng chục nhà phân phối trong chuỗi cung ứng của chúng tôi đang tìm hiểu và cũng sẽ đặt nhà máy tại đây”, ông Kim Sung Hun – Tổng Giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam cho biết.
Dự án sản xuất chip bán dẫn của tập đoàn này có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD trong hơn 10 năm. Thế nhưng chỉ sau hơn 2 năm đã giải ngân gần 500 triệu USD để hoàn thành nhà xưởng khép kín để sản xuất càng sớm càng tốt đáp ứng nhu cầu chip bán dẫn trên toàn cầu.
Với quan điểm là “ít đất, ít sử dụng lao động, nhưng vốn, công nghệ, hiệu quả cao và sẵn sàng mặt bằng, nhân lực chất lượng cao, cơ chế, tháo gỡ khó khăn”, nên dù là địa phương có quy mô diện tích nhỏ nhất cả nước, nhưng Bắc Ninh vẫn thuộc nhóm dẫn đầu thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao.
2 tháng qua, các dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên cả nước tăng trên 55% về số lượng và cao gấp hơn 2 lần về giá trị cho thấy chất lượng các dự án ngày càng tăng. Nhất là các địa phương trọng điểm công nghiệp đã thu hút đến 75% số dự án mới.
Ông Torben Minko – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Nhìn vào số lượng nhà đầu tư và tầm nhìn dài hạn, doanh nghiệp châu Âu tập trung vào các lĩnh vực điện tử, sản xuất ô tô, năng lượng bền vững. Chúng tôi đánh giá cao việc các dự án cấp mới được phê duyệt nhanh, sớm thời gian qua. Chất lượng hạ tầng và chính sách cần triển khai đồng bộ hơn nữa thì mới nâng cao được chất lượng thực thi và hiệu quả thu hút FDI”.
Cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip đang khiến các doanh nghiệp toàn cầu tìm kiếm địa điểm đầu tư công nghệ cao. Đây là cơ hội nhưng cũng là áp lực đòi hỏi sự sẵn sàng cũng như tính đồng bộ về hạ tầng và chính sách thu hút nhà đầu tư của Việt Nam.