Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia cho biết dù chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng tỉ lệ thất bại trong chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt vẫn cao do tư duy và cách tiếp cận chưa phù hợp.
Theo ông Dương Văn Thịnh (Tập đoàn Dữ liệu quốc tế – IDG), thói quen mua sắm trực tuyến đã thay đổi hành vi tiêu dùng, đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào công nghệ mà còn phải nâng cao uy tín sản phẩm, tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Bảo, giám đốc điều hành kênh E2E, cho rằng các doanh nghiệp Việt vẫn thường có tâm lý nghe ngóng tìm hiểu về một xu hướng, sau đó đứng ngoài cuộc chơi vì những lo ngại nào đó.
“Tôi vẫn hay khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ cứ làm thử, vào trận rồi chúng ta mới hiểu thực tế ra sao.
Bởi không làm, mình sẽ tự đánh mất cơ hội. Với những doanh nghiệp bán hàng đa kênh, có thể doanh thu chưa về được ngay. Tuy nhiên TMĐT sẽ giúp họ thúc đẩy toàn bộ giá trị thương hiệu và bổ trợ cho các kênh phân phối đang hiện hữu của doanh nghiệp”, ông Bảo nói.
Cũng theo ông Bảo, doanh nghiệp cần xem doanh số chỉ là một phần câu chuyện của bán hàng trên sàn TMĐT.
Với các doanh nghiệp đã có thương hiệu và có sẵn thị trường, TMĐT là điểm tiếp xúc với khách hàng. Khách hàng đang thay đổi và họ dịch chuyển đâu thì doanh nghiệp phải theo đó. Khách hàng có thể không mua ở kênh online nhưng sẽ quyết định ở kênh khác mà hàng hóa đang có sẵn.
Trong thực tế những con số triệu đơn hàng hay doanh số trăm tỉ đồng chỉ là một phần của câu chuyện của bán hàng online.
Nếu may mắn và sẵn sàng có nguồn lực cho những chương trình lớn, kênh TMĐT vẫn có thể thúc đẩy tăng trưởng doanh số. Nhưng bản chất của TMĐT còn phản ánh năng lực sản xuất, nếu xem đó là điểm chạm với khách hàng. Đây mới là câu chuyện phát triển bền vững.
Theo ông Bảo, hành vi tiêu dùng thay đổi và sự phát triển của công nghệ làm cho thói quen mua sắm cũng khác đi.
Để đưa hình thức bán hàng qua kênh TMĐT hay cụ thể hơn là livestream (live – commerce) trở thành lựa chọn tất yếu, hạ tầng bổ trợ phải tốt, hệ sinh thái phát triển, trong đó công nghệ là yếu tố then chốt…
Ông Trần Tuấn Anh, giám đốc Shopee Việt Nam, cho biết khi làm việc với các nhà kinh doanh nhỏ lẻ, sàn thấy rằng Việt Nam có thế mạnh rất lớn về sản xuất.
Hàng Việt cũng ngày càng được nâng tầm về mẫu mã, chất lượng và hoàn toàn có thể cạnh tranh với nhiều thương hiệu đến từ nước ngoài. Điểm hạn chế ở đây là sản phẩm nội chưa có nhiều kênh để tiếp cận đông đảo người dùng trong nước cũng như quốc tế.
Vì thế, trong năm 2024, với mục tiêu đạt 50% số xã và các đơn vị hành chính trên cả nước có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến, Shopee giới thiệu nhiều sáng kiến kinh doanh thực tiễn, cân bằng lợi ích giữa sàn TMĐT và “kiềng ba chân” gồm: người bán, người mua lẫn nền kinh tế cộng đồng.
“Điều này không chỉ thúc đẩy thế mạnh vốn có của sản phẩm nội, hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu lợi ích của chuyển đổi số mà còn gián tiếp tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động địa phương”, ông Trần Tuấn Anh nói.