Sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ phong trào ca hát Vùng mỏ, những người nghệ sĩ, ca sĩ nay đã thành danh vẫn luôn hướng về quê hương với những tình cảm chân thành, thiết tha nhất. Trong hành trình phát triển của đời sống âm nhạc Quảng Ninh, đặc biệt là dịp Quảng Ninh kỉ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh, họ đã luôn có mặt, đóng góp những tình cảm sâu sắc bằng lời ca, tiếng hát của mình.
NSND Quang Thọ: “Khi tôi hát một ca khúc đã viết rất lâu về quê hương mình, tôi vẫn thấy mới mẻ và gần gũi, cảm thấy như được sống ở quê hương mình những năm tháng đã qua”.
Tôi sinh ra tại TX Hòn Gai, sau đó cùng gia đình chuyển về Cẩm Phả sinh sống. Rời ghế nhà trường, tôi trở thành công nhân thợ điện ở mỏ than Cọc Sáu. Khi bắt đầu là người thợ mỏ, chứng kiến hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, tôi bắt đầu cất tiếng hát để ca ngợi Vùng mỏ, ca ngợi những người công nhân, những anh lính tự vệ, những anh lính bảo vệ Vùng mỏ thân yêu của chúng ta. Tôi may mắn sống và làm việc trong những thời khắc không thể quên của lịch sử của đất nước. Và từ năm 1964, tiếng hát của người công nhân mỏ than Cọc Sáu trẻ trung, mạnh mẽ hồi đó đã thu hút được sự chú ý của người nghe.
Trong tâm trí tôi, kỷ niệm những tháng ngày ở Vùng mỏ gian lao mà anh dũng, thô mộc nhưng óng ả, tựa những quặng than của mảnh đất này. Dù đi đâu, về đâu, tôi luôn nhớ về Cẩm Phả. Đó là nơi tôi khôn lớn, trưởng thành với đầy ắp kỷ niệm. Chúng tôi vừa sản xuất vừa chống trả máy bay Mỹ, vừa hát, nên vất vả hơn rất nhiều. Mỗi bài hát, câu hát thấm đẫm cả xương máu, mồ hôi và nỗi nhọc nhằn của những người công nhân mỏ. Khi hát những bài hát nói về người thợ mỏ, chúng tôi hát đúng như kể chuyện về mình nên nó truyền cảm hơn.
Những năm gần đây, tôi thường xuyên tham gia các hoạt động nghệ thuật tại Quảng Ninh, từ các chương trình nghệ thuật của tỉnh đến các đêm nhạc tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả. Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia làm giám khảo cho một số cuộc thi âm nhạc ở Quảng Ninh mà gần đây nhất là Hội thi họa mi vàng cấp tỉnh. Sự trưởng thành của một thế hệ yêu âm nhạc ở vùng mỏ chính là niềm tự hào của những người nghệ sĩ gạo cội như chúng tôi.
Trong dịp kỷ niệm 60 Ngày năm thành lập tỉnh, tôi lại trở về những địa điểm thân quen để hát lại những ca khúc quen thuộc với đời sống âm nhạc tỉnh nhà như: “Tôi là người thợ mỏ”, “Nhịp máy khoan”… và được khoác lên mình trang phục người thợ; tất cả đã cho tôi sống lại nhiều ký ức đẹp.
Khi hát ở Quảng Ninh, bản thân tôi vẫn luôn nguyên vẹn hồi ức, tình cảm với quê hương của mình. Khi tôi hát ca khúc từ rất lâu viết về quê hương mình tôi vẫn thấy mới mẻ và gần gũi, tôi cảm thấy mình đang sống trên quê hương của mình những năm tháng đã qua.
Ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh, giải nhì Sao Mai 2005: “Ngọc Anh mong muốn bằng tiếng hát của mình, bằng tình cảm với quê hương của mình, sẽ đến gần nhất với khán giả yêu âm nhạc quê nhà”.
Tuổi thơ Ngọc Anh lớn lên ở Bãi Cháy, bên bờ vịnh Hạ Long. Hồi nhỏ Ngọc Anh thường đi từ Bãi Cháy sang Hòn Gai để học hát. Con đường quen thuộc bên bờ vịnh Hạ Long đã gieo vào ký ức tuổi thơ của Ngọc Anh những kỷ niệm đẹp về quê hương. Từ những ca khúc đầu tiên mà Ngọc Anh được hát khi còn nhỏ như “Thuyền giấy”, “Em yêu đất mỏ quê em” đều là những giai điệu ca ngợi về mảnh đất quê hương mình. Ngọc Anh cũng rất tự hào khi được mọi người tặng cho danh hiệu “Họa mi Đất mỏ”, một cái tên dễ thương gắn với vùng đất quê hương mình. Năm 8 tuổi, Ngọc Anh đã giành được giải Họa mi vàng cấp tỉnh và liên tiếp giữ vị trí này trong nhiều năm sau đó.
Sau khi tốt nghiệp trường nghệ thuật, Ngọc Anh vẫn chưa có ý định trở thành ca sĩ chuyên nghiệp mà gắn bó với công việc giảng viên thanh nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Hạ Long (nay là trường Đại học Hạ Long – PV). Vừa dạy ở trường, Ngọc Anh còn cộng tác dạy hát cho các em nhỏ ở Cung Văn hóa thiếu nhi Quảng Ninh, cộng tác với Truyền hình Quảng Ninh trong các chương trình “Dạy hát trên truyền hình”. Có thể nói, âm nhạc cùng với Ngọc Anh đã trở thành sợi dây kết nối sâu sắc để mình truyền tải những cảm xúc về quê hương.
Sau này khi đã thành danh, bước đi trên con đường nghệ thuật chuyên nghiệp thì Ngọc Anh vẫn dành sự ưu tiên hơn cả cho các sự kiện nghệ thuật ở quê nhà. Mỗi lần Quảng Ninh tổ chức các hoạt động nghệ thuật lớn như: Carnaval Hạ Long, chương trình Mừng Đảng Mừng Xuân… Ngọc Anh đều dành thời gian để trở về hát trên các sân khấu ở quê hương. Gần đây nhất năm 2022, Ngọc Anh có thực hiện 1 MV ca nhạc ngay tại huyện đảo Cô Tô quê hương mình cùng với 1 ekip đều là những người con Quảng Ninh.
Có thể nói, quê hương đã cho Ngọc Anh rất nhiều cảm xúc, nhiều kỷ niệm và nuôi dưỡng một Ngọc Anh nồng nàn và tha thiết nhất. Với dự án 60 MV bài hát về Quảng Ninh do Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh thực hiện lần này, Ngọc Anh vinh dự được tham gia 5 ca khúc, trong đó có những ca khúc đã trở thành truyền thống được nhiều khán thính giả biết tới như: ca khúc “Quê em” của nhạc sĩ Đỗ Hòa An, “Tình ca thợ mỏ” của nhạc sĩ Hoàng Vân, cũng có những sáng tác âm nhạc mới như ca khúc “Vân Đồn chào hè” của nhạc sĩ Đức Trịnh.
Ngọc Anh cũng như các nghệ sĩ khác đều dùng tất cả tâm huyết của mình để góp sức, cống hiến bằng những ca khúc, những hình ảnh đẹp để tôn vinh cảnh quan, con người, mảnh đất quê hương Quảng Ninh. Qua hình ảnh của mỗi MV này, người xem sẽ thấy sự đổi thay của một Quảng Ninh từ truyền thống đến phát triển hiện đại. Đặc biệt, Ngọc Anh mong muốn rằng những hình ảnh đẹp trong các MV sẽ giới thiệu được tới đông đảo du khách quốc tế về quê hương mình.
Sau khi hoàn thiện các cảnh quay của 5 MV, Ngọc Anh tiếp tục tham gia chương trình nghệ thuật “Khát vọng Quảng Ninh” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh thực hiện, lưu diễn ở 13 địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong tháng 10 năm 2023. Ngọc Anh mong muốn bằng tiếng hát của mình, bằng tình cảm với quê hương của mình, sẽ đến gần nhất với khán giả yêu âm nhạc quê nhà.
Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Tùng – giải nhất Sao Mai 2003: “Tự hào vì bức tranh quê hương đẹp và hùng vĩ, vì quê hương mình ngày càng đổi mới”.
Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hoành Bồ. Thuở nhỏ gia đình khó khăn lắm, bố tôi là công nhân lái xe nghỉ việc sớm theo chế độ. Mẹ là công nhân ngành điện cũng về hưu sớm, lương tháng chỉ được vài trăm nghìn đồng. Thời trẻ, tôi không dám ước mơ hão huyền, là người nhút nhát, ngại va chạm nên tự xác định là học sư phạm ở Quảng Ninh xong sẽ làm thầy giáo tại quê hương. Vậy nhưng cái duyên đưa tôi đến với Cuộc thi Giọng hát hay trên sóng PTTH Quảng Ninh, sau đó là giải nhất Sao Mai toàn quốc năm 2003. Được sự động viên của thầy Quốc Hưng nên tôi thi vào khoa thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sau này tôi chọn công tác ở Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam và tiếp tục theo đuổi đam mê ca hát của mình.
Với quê hương Quảng Ninh, tôi luôn nhớ về những kỷ niệm thuở ấu thơ còn nghèo khó, vất vả, thời điểm đi thi Sao Mai tôi cũng không có được bộ vest nào để lên sân khấu. Sau này khi đã thành danh, tôi đã dành cho quê hương những tình cảm tri ân sâu sắc từ đáy lòng bằng album âm nhạc “Quê hương và tình yêu” năm 2008, toàn bộ các ca khúc trong album này đều viết về quê hương Quảng Ninh.
Có lẽ vì tuổi thơ nhiều gian khó nên Hoàng Tùng luôn muốn hướng về quê hương với những việc làm thiện nguyện. Khoảng 10 năm gần đây, tôi thường tổ chức những đoàn thiện nguyện đến với trẻ em các địa phương còn khó khăn của Quảng Ninh như: Bình Liêu, Ba Chẽ và quê hương Hoành Bồ của mình (nay là TP Hạ Long). Ngoài chia sẻ vật chất, Hoàng Tùng còn chia sẻ tinh thần qua các ca khúc. Tôi cũng tham gia cùng đoàn thanh niên Quảng Ninh giao lưu văn hóa với thanh niên Quảng Tây (Trung Quốc) và tặng họ những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước mình.
Là một người nghệ sĩ sinh ra và lớn lên tại Quảng Ninh nên Hoàng Tùng cũng như các ca sĩ Sao Mai Quảng Ninh hiểu hơn ai hết về những sáng tác âm nhạc trong đời sống văn hóa người Vùng mỏ. Chính vì vậy, những ca từ và giai điệu âm nhạc sẽ được hát lên bằng chính tâm tư, tình cảm sâu sắc nhất của mỗi nghệ sĩ chúng tôi. Tham gia dự án âm nhạc 60 MV bài hát về Quảng Ninh, Hoàng Tùng mang trong mình một tâm trạng háo hức khi được đến với những địa danh đẹp của Quảng Ninh, từ biển đảo, biên giới tới những hầm mỏ với không khí lao động sản xuất hăng say. Hoàng Tùng thấy tự hào bởi bức tranh quê hương mình rất đẹp và hùng vĩ, quê hương Hoành Bồ của mình cũng đã trở thành một phần của TP Hạ Long mới với diện mạo ngày càng đẹp hơn. Con người Quảng Ninh thật kiên cường và yêu lao động! Bản thân Hoàng Tùng cũng đang ấp ủ một dự án âm nhạc của riêng mình, với những ca khúc về quê hương Quảng Ninh.