Sự kiện Chiến thắng trận đầu tháng 8/1964 đã trở thành mốc son trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của quân và dân Quảng Ninh. Những ký ức bi tráng, hào hùng của 60 năm về trước vẫn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính trực tiếp có mặt trên tuyến lửa năm xưa.
CCB Đào Ngọc Sao (khu phố 6, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) tâm sự với chúng tôi, những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời ông là được trực tiếp tham gia chiến đấu vì quê hương, đất nước, dân tộc. Năm nay đã bước sang tuổi 85, ông vẫn mãi khắc ghi những ký ức từ 60 năm về trước khi ông kề vai sát cánh cùng đồng đội, góp sức lập nên Chiến thắng trận đầu của quân và dân Quảng Ninh trước đế quốc Mỹ xâm lược.
Năm 1964 Mỹ tạo ra “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ tấn công phá hoại miền Bắc, nhằm ngăn chặn ta chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam, đó là thời điểm tỉnh Quảng Ninh thành lập chưa đầy 1 năm. Quân và dân Vùng mỏ đã nêu cao truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, ý chí cách mạng quật cường, bắt tay ngay vào cuộc đối đầu với không lực của giặc Mỹ xâm lược, phối hợp chặt chẽ với lực lượng hải quân của ta để bảo vệ an toàn các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ và tránh thương vong cho nhân dân.
Khi ấy hạ sĩ Đào Ngọc Sao là Khẩu đội trưởng Khẩu đội 2, Trung đội 5 súng máy cao xạ 14,5mm, Đại đội 141, Tiểu đoàn 217. Trận địa pháo của đơn vị đặt tại mỏm đồi Gốc Khế, Hà Tu. Khoảng 14h30 ngày 5/8/1964, hàng trăm chiếc máy bay của Mỹ chia làm nhiều tốp, bay vào ném bom, bắn tên lửa vào tàu hải quân ta đang neo đậu ở khu vực Bến phà Bãi Cháy. Đối mặt với kẻ thù được trang bị vũ khí hiện đại, tất cả các lực lượng bộ đội hải quân, pháo cao xạ, dân quân, tự vệ… không hề nao núng, quyết liệt đánh trả với ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, ông Sao và đồng đội đã không bỏ lỡ thời cơ khi chiếc máy bay A4D (Skyhawk) của Mỹ bay vào đúng tầm bắn. Cờ của đồng chí chỉ huy trung đội phất lên, cả trận địa đồng loạt nổ súng, găm thẳng những viên đạn đỏ lửa vào chiếc máy bay, khiến nó bốc cháy phừng phừng rồi lao xuống đất nơi cách trận địa hơn 1km. Tên phi công Mỹ là Trung úy An-vơ-rét, buộc phải nhảy dù thoát thân, sau đó bị người dân phát hiện, phối hợp bắt sống tại vùng nước thuộc phường Hà Tu ngày nay.
Ngay sau trận đánh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm Tiểu đoàn Pháo cao xạ 217, khen ngợi và động viên bộ đội. Xạ thủ trẻ Đào Ngọc Sao khi ấy không khỏi xúc động, khắc ghi lời căn dặn của Thủ tướng: “Tôi chuyển lời khen ngợi của Trung ương Đảng, của Bác Hồ đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ phòng không, hải quân, công an, dân quân, tự vệ và toàn thể nhân dân Hòn Gai Anh hùng. Thắng lợi của ta là rất lớn nhưng mới là trận đầu. Chúng còn có thể đến với lực lượng lớn hơn nữa. Một điều quan trọng là phải rút kinh nghiệm để rút ra những bài học chiến đấu làm cho thắng lợi sẽ to lớn hơn nữa…”.
Gác lại ký ức của một thời bom đạn, trở về cuộc sống đời thường, những CCB năm xưa như ông Đào Ngọc Sao vẫn luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương, làm giàu chính đáng bằng bàn tay, khối óc của mình, góp phần xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại.