Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đưa đất nước ta thoát khỏi sự áp bức bóc lột gần 100 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Kể từ khi ra đời, Đảng ta đã tổ chức lực lượng cách mạng và tôi rèn trong lửa đạn đấu tranh với kẻ thù, thông qua các cuộc tổng diễn tập của cao trào cách mạng 1930-1931 và 1936-1939, kể cả trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Biết bao đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh, hoặc phải tù đày trong nhà lao của thực dân để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, vận động và tập hợp quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.
Qua tôi rèn trong lửa đạn và ngục tù của thực dân đế quốc, lực lượng cách mạng của Đảng ngày một trưởng thành, khi thời cơ chín muồi, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.
Thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Vùng mỏ sống trong nạn đói khi phát xít Nhật tàn bạo vơ vét hết thóc gạo, đánh đập, hành hạ dã man người dân vô tội. Tình hình xã hội vô cùng hỗn loạn. Lòng căm thù với phát xít Nhật, thực dân Pháp càng thêm sôi sục, từ đó biến thành “làn sóng” khởi nghĩa mạnh mẽ; góp sức tạo nên thành công của cuộc cách mạng lịch sử.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Lịch sử đã chứng minh, thành công đó có được là nhờ một Đảng tiên phong thật sự cách mạng, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, được tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng đã nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn; biết nắm bắt thời cơ, xây dựng và tổ chức lực lượng; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dẫn dắt quần chúng đứng lên giành và giữ chính quyền. Thành công ấy đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử, là niềm tự hào của cả dân tộc. Những bài học ý nghĩa, sáng tạo từ cuộc cách mạng để lại vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.
Tự hào truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Quảng Ninh không ngừng nỗ lực, đoàn kết, đóng góp trí tuệ, công sức, xây dựng quê hương, đất nước. Trên chặng đường phát triển, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, nhân dân Quảng Ninh tiếp tục vượt lên những khó khăn và có những bước đi vững chắc, từng bước hiện thực hóa khát vọng đổi mới.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, liên tục. Phương thức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền các cấp không ngừng được nâng lên. Tỉnh Quảng Ninh đã trở thành điển hình cho sự đổi mới, năng động, sáng tạo trên nhiều phương diện về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội…
Trong bối cảnh hơn 3 năm qua chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thêm vào đó Quảng Ninh và cả nước còn có những khó khăn, thách thức khi kinh tế vĩ mô toàn cầu bất ổn khiến lạm phát, giá cả tăng cao, thị trường bất động sản, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… bị ảnh hưởng. Những tác động từ biến động chính trị – an ninh thế giới, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, những khó khăn của ngành than về quy hoạch, cấp phép khai thác, về mỏ đất, vật liệu san lấp… vẫn hiện hữu.
Song với khí thế tiến công, tỉnh Quảng Ninh đã lần lượt vượt lên những khó khăn, quyết tâm giữ vững địa bàn “An toàn – Ổn định – Phát triển”, giữ đà tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là 7 năm liên tiếp (2016-2022) giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đã “vượt bão” khó khăn, tiếp tục đạt mức tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,46% (cao hơn 0,24 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ), đứng thứ 2 trong Vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 4 cả nước. Bám sát chủ đề công tác năm 2023, tỉnh nỗ lực không ngừng cải thiện mọi điều kiện, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển, trong đó tập trung cải cách nền hành chính quản lý – quản trị – kiến tạo phát triển, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Dù ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn kiên trì thực hiện 3 đột phá chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh tiếp tục quan tâm, dành nhiều nguồn lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đạt nhiều thành quả quan trọng. Quảng Ninh là địa phương duy nhất dẫn đầu cả nước cùng lúc ở cả 4 chỉ số (PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI). Điều này khẳng định sự cam kết, đồng hành của cả hệ thống chính trị tỉnh với người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp về xây dựng chính quyền phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Kết cấu hạ tầng phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ… Đến nay, Quảng Ninh trở thành điểm sáng trong huy động nguồn lực tư nhân đầu tư xây dựng các công trình, dự án động lực. Những năm gần đây, nhiều công trình động lực của tỉnh đã hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả; tuyến cao tốc dọc tỉnh… Hiện nhiều dự án đang được đẩy nhanh tiến độ, như: Cầu Cửa Lục 3; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338, giai đoạn 1); đường trục chính trung tâm Khu đô thị Cái Rồng, huyện Vân Đồn (giai đoạn 2); cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 từ TP Hạ Long qua huyện Ba Chẽ đến giáp địa phận tỉnh Lạng Sơn…
Song song với phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm và dành nguồn lực quan trọng cho công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân, nhất là người dân khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Ngày nay, từ trung tâm đô thị đến vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, nhiều công trình, dự án động lực đã hình thành, thúc đẩy mạnh mẽ KT-XH phát triển, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền; nhiều chương trình hỗ trợ, mô hình kinh tế của người dân hình thành và phát huy hiệu quả, góp phần cao đời sống cả về vật chất và tinh thần. Thành quả này đã minh chứng sinh động về những nỗ lực của hệ thống chính trị trong toàn tỉnh; Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc…
Quá khứ mỗi ngày một xa, nhưng những dấu son lịch sử của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn hiện hữu, là nền tảng vững chắc cho mỗi bước đi trên hành trình phát triển của Quảng Ninh; tiếp tục cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh để mỗi người dân Quảng Ninh không ngừng phấn đấu, tiếp tục đóng góp cho công cuộc bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước.