Giá vàng trong nước vẫn đang không ngừng “nhảy múa”. Sáng nay (9/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục lập đỉnh mới.
Tại thời điểm 9h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,7 – 82,72 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,9- 82,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 400 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tại các ngân hàng tăng giảm trái chiều nhưng vẫn giữ trên mốc 75 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 73,90 – 75,40 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tuy nhiên, tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 74,08 – 75,18 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 250 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng nhẫn nói riêng và giá vàng nói chung tại Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây đầu tiên là do tác động của việc giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục đắt nhất lịch sử.
Ngoài ra, dù rằng vàng nhẫn không thuộc hàng độc quyền, trên thị trường xuất hiện rất nhiều thương hiệu khác nhau nhưng giá vẫn ngày càng đắt đỏ là do giá nguyên liệu tăng lên, đồng thời nguồn nguyên liệu đầu vào chưa đáp ứng đủ nhu cầu do các doanh nghiệp chưa được nhập khẩu vàng.
Ông Hiếu nhấn mạnh, nếu không tăng nguồn cung nguyên liệu sản xuất vàng, giá vàng nhẫn sẽ còn tăng nữa.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, tình trạng giá vàng nhẫn liên tục thời gian gần đây là do lượng người mua tăng đột biến. Đặc biệt, theo chuyên gia, hiện tâm lý người mua đang bị ảnh hưởng bởi những đề xuất sửa đổi liên quan đến chính sách điều hành, quản lý thị trường (Nghị định 24) đối với vàng miếng.
Mới đây, các chuyên gia, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, thị trường vàng miếng được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt.
Trong nhiều thời điểm, giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ như trước đây. Thói quen, nhận thức của người dân với vàng miếng có sự thay đổi, một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.
Vì thế, mục tiêu “chống vàng hóa” đã thành công. Bối cảnh này khiến các chuyên gia đề xuất bỏ quy định Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.