Hiếm có ngành nào lại sản sinh và nuôi dưỡng được các thế hệ văn nghệ sĩ như ngành Than. Đây cũng là mảng sáng tác thu hút được sự quan tâm đặc biệt của văn nghệ sĩ. Người thợ mỏ đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa… từ chính cuộc sống cần lao của mình, từ sự thăng hoa về cảm xúc của các văn nghệ sĩ, nhiều trong số đó vốn sống với than và đi lên từ than…
Trong các mảng đề tài sáng tác của văn nghệ sĩ đến công tác, sinh sống ở Quảng Ninh thì đề tài về ngành Than, về người công nhân mỏ chiếm một vị trí đáng kể. Giai đoạn những năm 60 của thế kỷ trước, khi nhiều văn nghệ sĩ trung ương về Quảng Ninh thực tế sáng tác đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm vẫn còn giá trị sống mãi với hôm nay, chủ yếu là các ca khúc, các tác phẩm mỹ thuật… Nhiều tác giả đã từng công tác, gắn bó với ngành Than qua các giai đoạn, như: Võ Huy Tâm, Võ Khắc Nghiêm, Trần Tâm, Trần Đình Nhân, Vũ Thảo Ngọc, Nguyễn Hoàng, Ngô Phương Cúc, Bùi Đình Lan, Vũ Quý, Đỗ Kha, Dương Phượng Đại, Nguyễn Khắc Đạm, Lê Nguyên Thêm… đều có nhiều những tác phẩm về mảng đề tài này.
Nói rộng ra hơn nữa, có lẽ hiếm có văn nghệ sĩ nào sinh sống ở Quảng Ninh lại chưa từng sáng tác về ngành Than và cuộc sống người thợ mỏ. Bởi một điều đơn giản, ngành Than là một ngành kinh tế trọng điểm của đất nước trong một thời gian dài sau chiến tranh cho tới hoà bình, xây dựng đất nước. Ở Vùng mỏ, ngành Than luôn gắn bó máu thịt với Quảng Ninh, lớp lớp những thế hệ cán bộ, công nhân mỏ cũng chính là nền tảng của đa số gia đình sinh sống trên vùng đất này.
Nói ngành Than là một trong những cái nôi của văn nghệ sĩ cũng bởi sự quan tâm, tạo điều kiện của các đơn vị trong ngành cho tới tập đoàn cả về vật chất, cơ chế, chính sách cho tới việc tạo ra những sân chơi thường xuyên, thường niên cho các sáng tác văn chương, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, biểu diễn nghệ thuật… Đơn cử như mảng biểu diễn nghệ thuật, các hội diễn nghệ thuật quần chúng của ngành Than được tổ chức định kỳ, có giai đoạn còn tổ chức hằng năm với quy mô lớn, chất lượng cao ở cấp tập đoàn; các đơn vị trong ngành cũng thường xuyên có những hội diễn riêng. Từ đây không chỉ thu hút những nhân tố biểu diễn văn nghệ mà còn tạo cơ hội cho các hoạt động sáng tác âm nhạc, múa, sân khấu…
Cùng với sự quan tâm của ngành Than thì bản chất ngành Than cũng như đời sống người thợ mỏ cũng là mảng đề tài có sức hút lớn với các văn nghệ sĩ. Trong đó có 2 tác giả có tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước về VHNT lấy đề tài về ngành Than là nhà văn Võ Huy Tâm với tiểu thuyết “Vùng mỏ”, nhà văn Võ Khắc Nghiêm với tiểu thuyết “Mảnh đời của Huệ” và nhiều tác giả có những tác phẩm đoạt giải ở nhiều cuộc thi lớn khác, tác phẩm có tiếng vang trong lòng công chúng.
Chia sẻ việc sáng tác về ngành Than, nhiều văn nghệ sĩ đều bày tỏ sự gắn bó, tâm huyết rất gan ruột của mình. Nhà văn Võ Khắc Nghiêm từng nhấn mạnh: Tôi học được từ người thợ lò cách thể hiện “đi thẳng” vào truyện chân thực, không sa đà vào mây gió trăng sao, không miên man, rối rắm mà tập trung chi tiết xây dựng nổi bật tính cách nhân vật đa chiều qua những sự kiện bình thường mà độc đáo. Bởi vậy, nhân vật trong sáng tác của tôi chủ yếu được khắc hoạ số phận với những xung đột căng thẳng đầy hấp dẫn…
Nhà văn Trần Tâm thì bảo: Có thể nói, gia đình tôi là điển hình của lớp công nhân mỏ đầu tiên ở vùng than và gắn bó cho tới hôm nay, đến giờ là 5 đời làm thợ mỏ ở vùng than Cẩm Phả này. Và một thế hệ người vùng than như thế, tôi đã viết trong tiểu thuyết Đất bỏng 4 tập đã xuất bản của mình, kể về Vùng mỏ trong suốt hơn một thế kỷ, sau khi người Pháp bắt đầu khai mỏ… Sáng tác của tôi về người thợ mỏ toàn là những câu chuyện có thật ở xung quanh ngày tôi còn làm mỏ, từ những trải nghiệm của chính tôi và những người thợ quanh tôi. Thành tựu về văn chương không quan trọng bằng việc tôi viết để trải lòng mình ra, để giữ lại ký ức một thời cho lớp thế hệ sau này khi đọc có thể biết có một giai đoạn vùng than như thế, người thợ mỏ như thế.
Nhà thơ Trần Đình Nhân cũng từng viết: Tôi là người viết xuất thân trên tầng mỏ, có lẽ bạn đọc phần nào sẽ cho tôi quá yêu những gì của mình, nhưng tôi dám bảo đảm không phải thế mà là vì than và người thợ mỏ, hay nói chính xác hơn là văn hóa thợ mỏ đã ngấm vào mạch máu. Và rất tự nhiên, nó thành hơi thở trong những tác phẩm văn học của tôi mỗi khi cầm bút viết về vùng đất, con người ở đây…
Về Vùng mỏ từ khi tốt nghiệp trường nhạc ở Hà Nội, nhạc sĩ Đỗ Hoà An lại tâm sự: Một nhạc sĩ, một nhạc công như tôi thì việc đầu tiên là phải bám vào nhịp sống của vùng đất mình đến để sống, để sáng tác thôi. Thợ mỏ nơi đây yêu văn nghệ, không khí sôi nổi ngấm trong mỗi cán bộ, thợ mỏ là men say với người nghệ sĩ hơn bất cứ thứ gì. Sáng tác của tôi nhiều đề tài nhưng tỷ lệ viết về than vẫn lớn nhất, phản ánh về những điều giản dị, chi tiết, gần gũi với người thợ. Đấy là tình yêu của tôi dành cho họ, từ công việc bình thường để khơi lên niềm tự hào của những người thợ mỏ…