Chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt đẹp của Di sản Vịnh Hạ Long, du khách còn được thưởng thức hát giao duyên, chèo thuyền nan thăm không gian làng chài xưa, hiểu văn hóa qua những hiện vật, câu chuyện. Đó là những nét đẹp, đặc trưng cần được bảo tồn, phát huy tốt hơn nữa phục vụ du lịch.
Tới Hạ Long, ngoài cảnh quan non nước, một trong các điểm nhấn mà du khách quốc tế rất thích là tham quan các làng chài, nét đẹp văn hoá vạn chài. “Văn hóa biển còn lưu lại ở các làng chài khiến du khách vô cùng ấn tượng. Đặc biệt du khách lại được chính những ngư dân, chủ nhân của làng chài đưa đò, kể chuyện, hát giao duyên. Đó thực sự là những giá trị riêng có khiến khách quốc tế say mê, doanh nghiệp quan tâm” – ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sen Á Đông, đơn vị luôn hướng tới những tour độc đáo cho khách, đánh giá.
“Nét đẹp, sự sinh động của văn hóa biển trên Vịnh Hạ Long là nguyên liệu vô cùng quý giá để phát triển du lịch. Để phát huy hiệu quả, chúng tôi lựa chọn những giá trị đặc sắc nhất để bảo tồn, phát huy, phát triển thành tuyến điểm, các sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn cho vịnh Di sản” – ông Lê Minh Tân, Phó Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, chia sẻ.
Từ lâu, những kết quả nghiên cứu khoa học, khảo cổ… đã cho thấy bề dày, giá trị văn hóa cộng đồng ngư dân trên Vịnh Hạ Long trải qua các nền văn hóa cổ xưa tiếp nối nhau. Đặc trưng này còn gắn liền với các làng chài Giang Võng (Hà Khánh), Trúc Võng (khu vực Cái Lân) xưa. Hậu duệ của họ là những dân chài sống trên vịnh, tiêu biểu nhất là Cửa Vạn và Vung Viêng.
Năm 2014, ngư dân các làng chài được di dời lên bờ sinh sống. Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả nét văn hoá của cộng đồng ngư dân, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tiếp nhận 69 nhà bè gỗ của ngư dân phục vụ du lịch. Tiếp theo đó, Ban đã sửa chữa 20 nhà bè, bảo tồn 2 lớp học để tái hiện không gian sinh động của làng chài xưa. Đồng thời, tổ chức các buổi hát giao duyên, trải nghiệm đánh cá phục vụ du khách… Điều này thực sự tạo được điểm nhất hút khách, khi họ tham quan Vịnh Hạ Long.
Thuyền truyền thống của ngư dân cũng được dùng phục vụ khách tham quan. Người chèo, hướng dẫn du khách chính là các ngư dân bản địa đã chuyển lên bờ. Không gian được lựa chọn chính là cảnh quan làng chài xưa. Đây cũng là cách làm được Hợp tác xã Vạn Chài Con đò cổ tích thực hiện từ năm 2010 và được du khách quốc tế rất ưa thích.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã tiến hành bảo tồn, khai thác nhiều giá trị văn hóa biển, văn hóa vạn chài, đó là phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật hang Tiên Ông, điểm cư trú, sinh sống của người Việt cổ. Các hiện vật tìm thấy cùng nhiều hiện vật ở các làng chài được sưu tầm, trưng bày tại chỗ biến điểm tham quan này thành một bảo tàng tự nhiên độc đáo. Điểm tham quan này cùng với bảo tàng, Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn đã thu hút nhiều du khách và các nhà khoa học.
Có thể thấy, những giá trị văn hóa vạn chài đã và đang được bảo tồn, phục dựng phần nào gia tăng thêm “gia vị”, chất lượng cho các tuyến điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, hiện các nét đặc trưng, giá trị này vẫn chưa thực sự được quan tâm đầu tư để phát huy hết giá trị. Nhiều nơi, điểm như các ngôi nhà, bè ở làng chài Cửa Vạn bị xuống cấp trầm trọng…, cần quan tâm đầu tư tu sửa, nâng cấp.