PGS.TS. Phạm Văn Lợi từng là cán bộ nghiên cứu, sưu tầm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện là Phó Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển. Ông là chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa và nghiên cứu văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam theo định hướng liên ngành, khu vực học và khoa học phát triển.
Trao đổi tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng Then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu” do Viện Việt Nam học và khoa học phát triển phối hợp tổ chức tại Bình Liêu, PGS.TS. Phạm Văn Lợi chia sẻ:
+ “Then” trong nhóm ngôn ngữ Tày, thường được dịch là “Thiên”, là “Trời” hay là “Tiên” trong ngôn ngữ phổ thông. Tuy nhiên, “Then” hay chính xác hơn là “nghi lễ Then” hay “thực hành Then” là một loại hình sinh hoạt tín ngưỡng, một loại hình diễn xướng tâm linh, đa dạng, phong phú, đậm chất văn hóa dân gian, bao gồm trong nó nhiều loại hình nghệ thuật, từ nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật hình thể, hát đến trang phục, ẩm thực…
Nghi lễ Then hay Then nghi lễ đã trải qua lịch sử tồn tại, phát triển lâu dài và có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, đặc biệt là văn hóa tinh thần của các nhóm địa phương thuộc các dân tộc cư trú chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc.
– Phải chăng Then chỉ có ở các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có Quảng Ninh?
+ Thời gian gần đây, do tác động từ nhiều nguyên nhân, dân tộc Tày đã di cư đến sinh sống tại nhiều khu vực khác trên khắp cả nước, như: Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… Tuy nhiên, số cư dân ở các khu vực ngoài vùng Tây Bắc và Đông Bắc chưa nhiều. Về cơ bản, vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc.
Đối với Quảng Ninh, số người Tày ở huyện Bình Liêu chiếm 38,96% số người Tày trong tỉnh. Điều đó cho thấy, huyện Bình Liêu là địa bàn cư trú chủ yếu của người Tày Quảng Ninh. Ngay tại Bình Liêu, người Tày cư trú tập trung ở phía Tây, tiếp giáp với Lạng Sơn, trong khi đó, người Dao và người Sán Chay lại cư trú tập trung về phía Đông. Người Tày ở Bình Liêu được xác nhận là một nhóm địa phương thuộc dân tộc Tày, có tên gọi là Phén hay Tày áo nâu.
Trong một công trình nghiên cứu, TS. La Công Ý cho biết, hiện nay, tộc danh Phén hầu như không được sử dụng trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của cư dân ở nơi đây nữa. Tuy vậy, cuối tháng 3 năm nay, khi cùng một nhóm các nhà khoa học đến Bình Liêu tham dự lễ lẩu Then của người Tày ở thôn Ngàn Vàng Dưới, xã Đồng Tâm, tôi nhận thấy tên địa phương của nhóm người Tày này vẫn được cư dân nơi đây thừa nhận, sử dụng. Vì vậy, rất có thể người Tày Phén hay Tày áo nâu ở Bình Liêu cũng là nhóm địa phương còn gìn giữ, bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống.
– Thưa ông, dù bảo lưu tốt nhưng trong sự giao thoa văn hóa các dân tộc, liệu rằng hát then có bị ảnh hưởng?
+ Then Tày đã và đang chịu ảnh hưởng ít nhiều từ văn hóa và nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo của người Kinh. Dường như chỉ có tại Bình Liêu Quảng Ninh, nghi lễ Then là ít chịu ảnh hưởng từ văn hóa, nghi lễ của các dân tộc có dân số đông cư trú ở trong và quanh vùng cư trú truyền thống của người Tày.
Chúng ta có thể nói tới ảnh hưởng của người Dao, văn hóa Dao, đặc biệt là lễ cấp sắc của người Dao tới Then Tày ở Bình Liêu, vì ngay trong địa bàn huyện Bình Liêu cũng có tới gần 10.000 người Dao cư trú, sinh sống. Tại huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, nằm về phía Tây huyện Bình Liêu, cũng có khá đông người Dao cư trú. Giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa người Tày ở Bình Liêu với người Dao trong huyện và ở huyện Đình Lập là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, rất có thể ảnh hưởng văn hóa, nghi lễ từ người Tày đến người Dao dễ xuất hiện ở khu vực này hơn so với ảnh hưởng văn hóa và nghi lễ từ người Dao sang người Tày, vì tại huyện Bình Liêu cộng đồng người Tày có số lượng cư dân đông hơn khá nhiều so với cộng đồng người Dao.
Và quan trọng hơn, cộng đồng người Tày có lịch sử cư trú, sinh sống tại Bình Liêu sớm hơn nhiều so với cộng đồng người Dao. Trong nghi lễ Then Tày, tôi không thấy dấu ấn của những bức tranh thờ của người Dao quanh bàn thờ Then, dù ngay huyện Tiên Yên tiếp giáp với Bình Liêu hiện có nghệ nhân vẽ tranh thờ cung cấp cho các cộng đồng cư dân trong khu vực.
Theo tôi, cần có nhiều nghiên cứu, thậm chí cần ghi hình, ghi âm lại toàn bộ các nghi lễ Then để có thể phân tích, lý giải được toàn bộ quá trình tồn tại và phát triển từ ngôn từ (lời nói, lời ca…) âm nhạc (nhạc cụ, làn điệu) đến động tác, vũ đạo, ẩm thực, trang phục. Thậm chí phải nghiên cứu cả tâm lý, biện pháp tâm lý của các bà Then được thể hiện trong từng nghi lễ, từng giai đoạn của nghi lễ.
Sau đó, các nhà nghiên cứu ở những lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt đó cần ngồi lại trao đổi với nhau, trong các tọa đàm hay hội thảo khoa học, để thống nhất những hiểu biết quan trọng nhất về Then của từng dân tộc, nhóm địa phương, từng khu vực. Trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp, cách thức bảo tồn, phát huy và phát triển tổng thể, toàn bộ nghi lễ Then cũng như bảo tồn, phát huy, phát triển từng thành tố Then của từng nhóm địa phương, trong hiện tại và tương lai.
– Để góp phần bảo tồn, phát huy, phát triển Then của người Tày một cách đặc sắc và đầy đủ nhất phục vụ du lịch, ông có những gợi ý gì?
+ Theo tôi, cần có những nghiên cứu cụ thể về các hình ảnh và tranh trang trí để phát triển hình thức trang trí này thành một sản phẩm hàng hóa bán phục vụ người dân trang trí nhà cửa và làm quà cho khách du lịch. Ngành du lịch Bình Liêu nói riêng, các địa phương đang tồn tại nghi lễ Then ở Quảng Ninh nói chung có thể nghiên cứu thiết kế cắt may các loại áo, váy, mũ cách điệu từ áo, váy, mũ… của các bà Then để bán cho du khách.
Các làn điệu then do các nghệ nhân dân gian, thậm chí là các diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên trình diễn. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn là những nhóm 5-7 người, chủ yếu là nữ, xếp hàng ngang trên sân khấu vừa chơi đàn tính, vừa dùng nhạc xóc, vừa hát.
Về lâu dài, cách thức biểu diễn Then văn nghệ như thế này khó có thể thỏa mãn được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khách tham quan. Các nghệ sĩ, người sáng tác cần chú ý khai thác, phát triển các động tác, điệu múa trong Then, đặc biệt là các điệu múa trình quan, tiên nhập và các điệu múa khi lên lầu… để các nghệ sĩ biểu diễn kết hợp với hát Then. Có như thế thì sức thu hút của Then mới được nâng cao, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
– Còn những sản phẩm lưu niệm khác thì sao thưa ông?
+ Người Tày Bình Liêu đều lý giải nguyên do cây đàn tính chỉ còn 2 dây bằng câu chuyện họ đã lấy một dây đàn tặng cho người Kinh để chế tác đàn bầu. Chưa nói đến sự đúng, sai của câu chuyện này, nhưng câu chuyện này hoàn toàn có thể được thông tin để cho nhiều người cùng biết vì nó góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.
Để phát triển du lịch, người Bình Liêu đã sử dụng đàn tính, nhạc xóc để các nghệ nhân, nghệ sĩ trình diễn một số làn điệu Then (bằng cả tiếng Tày và tiếng Việt). Tuy nhiên, chính quyền, người dân và các doanh nghiệp ở Bình Liêu cũng có thể và cần phải tính đến việc nghiên cứu chế tác ra những chiếc đàn tính để bán cho khách du lịch.
Sau khi hoàn thành nghi lễ lên lầu, các bà Then, cả Then chính và Then phụ quay trở lại không gian trước bàn thờ Then ở trong nhà. Họ cùng nhau thực hiện một số điệu nhẩy, múa và hát Then mừng đã hoàn thành nghi lễ. Một nghi thức thường xuyên diễn ra vào thời điểm này cũng sẽ thu hút sự quan tâm, chú ý của người dân và khách du lịch. Đó là nghi thức phát quà cho những người tham gia.
Một trong những món quà mà các bà Then phát/chia cho khách tham gia là những chiếc khăn đội đầu nhiều màu sắc đã được đặt trước bàn thờ Then trong suốt quá trình hành lễ. Bên cạnh khăn, các bà Then còn chia cho những người đứng xung quanh mỗi người một vài quả kim cang và một vài hạt đậu. Quả kim cang có thể xâu thành vòng đeo tay hoặc đeo cổ, giúp người đeo tránh được những tai ương, bệnh tật. Hạt đậu mang bên người sẽ đem lại phúc, lộc, may mắn, mạnh khỏe… Đây cũng là chi tiết có thể khai thác để thu hút khách du lịch, biến hạt quả cây kim cang và hạt đậu này thành những sản phẩm du lịch của địa phương (vòng đeo tay, vòng đeo cổ…) bán cho khách tham quan sau khi dự nghi lễ Then Tày.
– Xin cám ơn ông!