Không chỉ được biết đến với tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, Quảng Ninh còn để lại nhiều ấn tượng về một vùng đất giàu truyền thống văn hóa với những giá trị khác biệt, riêng có, được hun đúc, tạo lập qua thăng trầm của lịch sử. Coi văn hóa là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng tập trung nguồn lực để phát triển văn hóa toàn diện. Qua đó, tạo dựng hệ giá trị đặc trưng của địa phương theo định hướng: “Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Nhân dân hạnh phúc”.
Vùng đất có bề dày văn hóa
Quảng Ninh là tỉnh có số lượng di sản văn hóa khổng lồ, phong phú, đa dạng, đặc sắc, gồm 637 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, cùng với đó là hơn 2.800 di sản văn hóa phi vật thể.
Điều kiện địa lý – sinh thái đa dạng và phong phú đã tạo cho Quảng Ninh những thắng cảnh nổi tiếng. Trong đó, địa hình biển đảo là dạng địa hình đặc trưng, chi phối và kiến tạo cho Quảng Ninh không gian tự nhiên kỳ vĩ, độc đáo, là nền tảng tạo nên Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, quần đảo Cô Tô, bãi tắm Trà Cổ, Vườn quốc gia Bái Tử Long… Cùng với đó, hàng loạt di tích – lịch sử văn hóa quan trọng được lưu giữ như: Danh thắng Yên Tử; thương cảng Vân Đồn; khu di tích lịch sử Bạch Đằng; khu di tích nhà Trần tại Đông Triều; các cụm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ…
Ngoài ra, với 23 thành phần dân tộc cùng sinh sống, Quảng Ninh cũng có khối lượng văn hóa phi vật thể đồ sộ gồm các lễ hội, phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống. Trong đó có nhiều lễ hội độc đáo như hội làng của đồng bào dân tộc Dao ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long); lễ hội sóng cọ, lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày ở xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu); lễ hội Tiên Công, lễ hội Bạch Đằng (TX Quảng Yên); hội chùa Quỳnh Lâm, hội đền An Sinh (TX Đông Triều); lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả); lễ hội Yên Tử (TP Uông Bí)…
Xác định văn hoá là sức mạnh, nguồn lực nội sinh cho sự phát triển, tỉnh luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị của nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú trên địa bàn. Các thiết chế văn hoá, thể thao được nâng cấp, sửa chữa, đầu tư đồng bộ, hiện đại, góp phần rút ngắn khoảng cách thụ hưởng đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Các thiết chế văn hóa của cấp huyện ở 13 địa phương được nâng cấp và sửa chữa; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn, khu phố hiện đạt 98%.
Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng, nhất là phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và một số di tích quốc gia đặc biệt. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, tỉnh đã chi gần 4.800 tỷ đồng cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí trên 1.600 tỷ đồng.
Tỉnh cũng đã xây dựng được 4 thôn, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống để phục vụ phát triển du lịch, gồm: Bản dân tộc Dao Thanh Y xã Bằng Cả (TP Hạ Long); bản Lục Nà, bản Cáu của dân tộc Tày xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu); bản Nà Ếch của người dân tộc Sán Chay xã Húc Động (huyện Bình Liêu); làng truyền thống người Sán Dìu xã Bình Dân (huyện Vân Đồn).
Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, Quảng Ninh là vùng đất giàu trầm tích và bản sắc văn hóa, hội tụ, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Tại Hội thảo khoa học “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững” diễn ra vào cuối tháng 9/2023, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký đã khẳng định rõ: Văn hoá Quảng Ninh thể hiện tính thống nhất trong đa dạng của văn hoá Việt Nam. Văn hoá Quảng Ninh được cấu thành bởi văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Cùng với tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” là cốt cách “năng động – sáng tạo – hào sảng – lành mạnh – văn minh – thân thiện” được bồi đắp, tạo lập trong suốt quá trình học tập, lao động như đúng tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra.
Văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Tiếp tục đề cao vai trò của văn hóa như lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, ngày 31/10/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Mục tiêu là phát triển con người Quảng Ninh toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước với các đặc trưng: “Bản lĩnh, tự cường, kỷ cương, đoàn kết, nghĩa tình, hào sảng, sáng tạo, văn minh” phù hợp với xu thế thời đại…
Để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, tỉnh xác định các khâu đột phá: Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể – nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng văn hóa trong kinh tế vì sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh, trọng tâm là phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nhân; phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao.
Cùng với đó là các giải pháp căn cơ: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người; tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, chú trọng xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa tỉnh Quảng Ninh phát triển lành mạnh, năng động, sáng tạo, nhân văn, tiến bộ, là nền tảng tinh thần vững chắc của một xã hội phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; phát triển con người toàn diện, thực sự là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển.
Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ chú trọng xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa phát triển lành mạnh, năng động, sáng tạo, nhân văn, tiến bộ, là nền tảng tinh thần vững chắc của một xã hội phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với “4 xin” (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn).
Thực hiện có hiệu quả các quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trên môi trường mạng xã hội, phát triển văn hóa số, gắn với xây dựng công dân số, kinh tế số và xã hội số; xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư thật sự trong sạch, lành mạnh, tiến bộ.
Cùng với đó là xây dựng môi trường văn hóa công sở văn minh, lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn, đổi mới sáng tạo; xây dựng và triển khai chuẩn mực đạo đức, văn hóa doanh nhân với ý thức thượng tôn pháp luật, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội…
Coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư phát triển bền vững, trong giai đoạn tiếp theo, Quảng Ninh sẽ phát huy mọi nguồn lực để phát triển văn hóa, con người. Trong đó, tiếp tục đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và không gian công cộng phục vụ phát triển văn hóa chất lượng cao, hướng đến đẳng cấp quốc tế; bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa Quảng Ninh, các công trình kiến trúc, cảnh quan mang bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng. Tăng cường đầu tư, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao; phát triển kinh tế thể thao.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hoá vùng miền, văn hoá biển, cùng các giá trị lịch sử, truyền thống đến gần hơn với người dân và khách du lịch. Trong đó, tập trung vào 4 lĩnh vực chủ yếu là: Du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quảng cáo.
Hiện tại, tỉnh cũng đang xây dựng Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hoá tại tỉnh Quảng Ninh. Đề án được kỳ vọng đưa ngành công nghiệp văn hoá đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao; đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân.
Phát triển con người để nâng tầm văn hóa, phát triển văn hóa để hoàn thiện phẩm chất, giá trị con người, đích hướng tới cao nhất và cuối cùng là vì con người, nâng cao toàn diện chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của con người – Đó cũng chính là hướng đi mà Quảng Ninh lựa chọn để phát triển hưng thịnh, bền vững hơn.