Không chỉ là bảo tồn, gìn giữ mà việc khai thác các giá trị văn hoá cho phát triển du lịch đã được Quảng Ninh thực hiện mạnh mẽ từ hơn chục năm trở lại đây. Qua đó, mở ra tiềm năng to lớn cho loại hình du lịch văn hoá, đồng thời góp phần tích cực cho bảo tồn các di sản trên địa bàn.
Điểm nhấn du lịch văn hoá tâm linh
Khoảng hơn chục năm trở về trước, các di tích lớn trên địa bàn tỉnh như Cửa Ông, Yên Tử, khu di sản nhà Trần tại Đông Triều, Bạch Đằng… chủ yếu chỉ thu hút lượng khách vào mùa xuân đi dâng hương, làm lễ. Tình trạng nhiều di tích, điểm di tích chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách để đầu tư không đủ, thường xuyên rơi vào tình trạng hoang phế, xuống cấp khiến nhiều người quan tâm tới di sản không khỏi xót xa. Với chủ trương xã hội hoá trong đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, cho đến nay, nhìn chung diện mạo hầu hết các di tích trên địa bàn tỉnh không chỉ đảm bảo khang trang, bền vững trước mưa nắng thời gian mà nhiều di tích còn được mở rộng về đường sá, khuôn viên có cây xanh, tiểu cảnh xinh đẹp tựa công viên.
Lượng khách đổ về các di tích từ đó cũng ngày càng nhiều hơn, những di tích như Yên Tử, Cửa Ông, Ba Vàng… có thể đón tới cả triệu du khách hàng năm. Khách về với các di sản không chỉ vào mùa hội xuân mà suốt cả bốn mùa trong năm. Cùng với sự hấp dẫn tự nhiên về giá trị di sản, vẻ đẹp cảnh quan thì sự vào cuộc của các doanh nghiệp, việc tổ chức các sự kiện tại các di tích là không thể thiếu.
Tiêu biểu trong số này phải kể đến Yên Tử. Sự đầu tư của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm tại đây, đầu tiên là hệ thống cáp treo lên các điểm chùa giúp tiết kiệm thời gian, sức lực đáng kể cho du khách. Đáng nói hơn, doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm dưới chân núi Yên Tử. Quần thể kiến trúc này được trau chuốt, lấy cảm hứng từ khu tháp Huệ Quang mang dấu ấn văn hoá thời Trần còn gìn giữ được tới ngày nay.
Đến với Yên Tử hôm nay, nếu như chặng hành hương trên núi mang lại cho du khách ấn tượng về sự thâm trầm, cổ kính của những nếp chùa, am tháp, cảm nhận sâu sắc về những giá trị lịch sử, văn hoá gắn với Phật giáo Trúc Lâm chốn non thiêng thì dưới chân núi lại là một không gian rộng lớn cho du khách thư giãn, ngắm cảnh và trải nghiệm hệ thống dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng, vui chơi đa dạng, có sự thay đổi thường xuyên. Hàm lượng văn hoá trong các sản phẩm dịch vụ được đơn vị chú trọng, gắn liền với các giá trị của thiền, của phật giáo Trúc Lâm…
Cùng với đó, các khu di sản nhà Trần tại Đông Triều, khu di tích Bạch Đằng tại Quảng Yên, khu di tích đền Cửa Ông – Cặp Tiên (Cẩm Phả, Vân Đồn) ngoài lượng khách mùa xuân cũng đón rất nhiều đoàn du khách về tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hoá, dâng hương, làm lễ, trải nghiệm các hoạt động ý nghĩa được tổ chức tại đây. Trên địa bàn tỉnh, nhiều di tích đã được đưa vào hệ thống các tuyến, điểm du lịch của địa phương, thu hút du khách ở nhiều vùng, miền và cả du khách nước ngoài.
Khơi dậy các giá trị văn hoá truyền thống
Nếu như ở khu vực miền Tây có thế mạnh về hệ thống di tích lớn, phong phú, nhiều giá trị thì ở khu vực miền Đông của tỉnh, lợi thế khai thác các giá trị văn hoá cho du lịch nằm chủ yếu ở các di sản văn hoá phi vật thể còn hiện hữu trong đời sống người dân bản địa hôm nay. Các lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội truyền thống Vân Đồn, lễ Đại phan, lễ hội Kiêng gió, các phiên chợ vùng cao… cho tới các lễ hội văn hoá – thể thao – du lịch mới được tổ chức những năm gần đây ở nhiều địa phương, đều khai thác không gian tự nhiên rộng lớn, tươi đẹp gắn với đời sống văn hoá của đồng bào.
Từ đây, các giá trị văn hoá bản địa, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số được khơi dậy, được tôn vinh, lan toả khiến cho không chỉ đồng bào càng yêu thêm, trân trọng thêm truyền thống văn hoá của dân tộc mình mà du khách gần xa cũng thấy gần hơn với vùng cao, biên giới, hải đảo. Việc hội nhập, giao lưu về văn hoá trở nên rộng mở hơn. Các giá trị văn hoá truyền thống thông qua những nghệ nhân – di sản sống của đồng bào, có cơ hội được trao truyền đến với giới trẻ nhiều hơn.
Không chỉ giá trị văn hoá mà các sản phẩm nông sản của bà con địa phương sản xuất ra cũng được du khách thích thú trải nghiệm, mua về làm quà cho gia đình, người thân, giúp thúc đẩy tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị nông sản cũng như thu nhập của bà con…
Đặc biệt, việc nối dài các tuyến cao tốc của tỉnh tới Móng Cái là điều kiện càng thêm thuận lợi cho các địa phương dọc tuyến ở khu vực miền Đông, phát huy các giá trị văn hoá bản địa cho phát triển du lịch. Gần đây nhất là các chương trình của Tuần Văn hoá – Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc và Ngày hội Văn hoá các dân tộc Quảng Ninh tổ chức tại Tiên Yên, đã làm sống động vùng đất ngã ba sông với hàng loạt các chương trình hấp dẫn, trở thành ngày hội rực rỡ sắc màu văn hoá của đồng bào và du khách bốn phương.
Mùa thu đông này, một điểm hẹn gây thương nhớ cho du khách là mảnh đất biên cương Bình Liêu. Không chỉ là cảnh sắc tự nhiên nên thơ mà còn là con người vùng cao thân thiện, hiếu khách, là bản sắc văn hoá độc đáo trong mỗi nếp nhà, các phong tục, tập quán hay dễ thấy là màu sắc tươi sáng trên váy áo, phục trang của những cô gái, chàng trai ở mỗi bản làng nơi đây. Du lịch Bình Liêu cũng đã được một số hãng lữ hành đưa vào chào bán cho du khách miền Nam, gây ấn tượng đặc sắc, mới mẻ cho nhiều du khách…
Có thể thấy, việc khai thác các giá trị văn hoá của Quảng Ninh cho phát triển du lịch đang từng bước đi vào chiều sâu, cũng hứa hẹn cơ hội ngày càng rộng mở hơn khi cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch được tỉnh và nhiều địa phương quan tâm đầu tư. Thực tế, du lịch trải nghiệm văn hoá thường gắn với vùng điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì thế, với xu thế du lịch trải nghiệm văn hoá ngày càng được du khách ưa thích, nếu tiếp tục có sự đầu tư bài bản, đồng bộ hơn, huy động được sự tham gia mạnh mẽ hơn của cộng đồng dân cư địa phương thì chắc chắn loại hình này sẽ có sự đóng góp đáng kể vào cơ cấu du lịch của Quảng Ninh trong thời gian tới.