Với vị trí là thành phố thủ phủ, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh, Hạ Long tự hào khi là vùng đất có bề dày trầm tích hàng nghìn năm lịch sử và nền văn hóa đa dạng được cấu thành từ văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ và văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây cũng chính là nguồn sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững của Hạ Long hôm nay và mai sau.
Những giá trị lịch sử văn hóa quý báu
TP Hạ Long là vùng đất có lịch sử, văn hóa lâu đời. Các di chỉ khảo cổ học cho thấy cách đây trên 10.000 năm, nơi đây đã là địa điểm cư trú của người Việt cổ (các di chỉ Văn hóa Soi Nhụ (niên đại cách ngày nay trên 10.000 năm); Văn hóa Cái Bèo (niên đại từ 7.000 đến 5.000 năm); Văn hóa Hạ Long (niên đại từ 5.000 đến 3.000 năm)). Theo đó, sự tồn tại của các nền văn hoá tiền sử ở khu vực Vịnh Hạ Long cho thấy có một dòng chảy phát triển văn hóa liên tục, mang tính bản địa, có những sắc thái riêng, minh chứng cho bước chuyển từ tiền sử sang văn minh, từ thời đại đồ đá sang thời đại kim khí của người Việt cổ ở khu vực này.
Vịnh Hạ Long còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá phi vật thể đặc sắc của cộng đồng ngư dân cư trú trên vịnh. Từ cuộc sống biển cả, họ đã tạo nên một nét văn hoá độc đáo mang đậm yếu tố biển với những lễ hội, tập tục đặc sắc. Đây là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị chiều sâu văn hoá cho di sản Vịnh Hạ Long.
Nhắc đến Hạ Long là còn nhắc đến một vùng than rộng lớn với lịch sử lâu đời. Từ thời kỳ Pháp đô hộ, hoạt động khai thác than ở khu vực Hòn Gai đã diễn ra trên diện rộng. Thành phần các chủ mỏ mộ phu chủ yếu là nông dân người vùng đồng bằng, ven biển. Đặc biệt, sau cuộc cách mạng giành chính quyền tháng 8/1945 thắng lợi, đã cổ vũ nhân dân các địa phương khu mỏ đứng lên, giành chính quyền về tay công nhân và nhân dân lao động. Đến ngày 25/4/1955, hàng ngàn thợ mỏ cùng với nhân dân dọc đường Cửa Ông, Cẩm Phả, Cọc 5, Hòn Gai… hân hoan đón chào đoàn quân giải phóng tiếp quản Khu mỏ. Ngày 25/4 đã đi vào lịch sử, Khu mỏ hoàn toàn giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Người dân Khu mỏ chính thức được làm chủ vùng đất, những người thợ mỏ bắt tay vào sản xuất than với tư thế mới của “người chủ”. Nhiều phu mỏ tiếp tục ở lại gắn bó với vùng than Hạ Long và Quảng Ninh.
Với đội ngũ công nhân lớn mạnh lên đến hàng chục vạn người qua mỗi thời kỳ, các thế hệ thợ mỏ đã nối tiếp nhau lao động, lập nghiệp trên Vùng mỏ. Nhiều nơi lập thành những làng mỏ, những khu tập thể công nhân đông đúc, góp phần xây dựng văn hóa công nhân mỏ đậm nét tại Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Từ cội nguồn truyền thống văn hóa “Kỷ luật và Đồng tâm” đã cùng với giai cấp công nhân mỏ, với nhân dân Hạ Long, Quảng Ninh đi suốt chiều dài lịch sử từ phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập rồi đến công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Truyền thống đó đã trở thành sức mạnh để TP Hạ Long không ngừng bứt phá, đạt được nhiều thành tựu phát triển rực rỡ hôm nay.
Hạ Long hiện có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, thành phố cũng dành nhiều sự quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, như đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phục dựng các lễ hội văn hóa, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, coi văn hóa là tài nguyên quý để xây dựng thành các sản phẩm du lịch.
Động lực cho sự phát triển
Với bề dày lịch sử, văn hóa cùng vị trí của thành phố thủ phủ, là đầu mối tập trung của các thiết chế văn hóa – thể thao do tỉnh, các đơn vị và doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý (Bảo tàng – Thư viện tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Văn hóa núi Bài Thơ; Cung Quy hoạch, Hội chợ, Triển lãm và Văn hóa tỉnh Quảng Ninh…), Hạ Long trở thành trung tâm văn hóa của cả tỉnh, thường xuyên diễn ra các hoạt động thi đấu, biểu diễn văn nghệ, thể thao, triển lãm, tổ chức các sự kiện văn hóa của cả nước và quốc tế, góp phần quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ về giá trị văn hóa, con người, vùng đất Quảng Ninh. Khai thác thế mạnh đó, công tác đầu tư, dành nguồn lực cho phát triển văn hóa luôn được thành phố coi trọng. Hằng năm, Hạ Long dành 2% tổng chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa, du lịch của thành phố.
Đặc biệt, triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”, “Bộ Quy tắc ứng xử Người Quảng Ninh” trên địa bàn TP Hạ Long trong những năm qua đã góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hạ Long. Theo đó, công tác bảo tồn một số loại hình văn hóa phi vật thể, khôi phục và phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc trưng, văn hóa các dân tộc thiểu số, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 96 di tích, trong đó có 1 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 6 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 16 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 73 di tích đã kiểm kê phân loại chưa xếp hạng; duy trì hoạt động của 10 lễ hội truyền thống.
Thành phố cũng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch như: Tuần du lịch Hạ Long, chương trình sắc màu Tuần Châu – Hạ Long – 2021, Chương trình Carnaval Hạ Long; Lễ hội cấp sắc đồng bào Dao Thanh Y, Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, Lễ hội chùa Lôi Âm…
Cùng với đó, Hạ Long đã đẩy mạnh tuyên truyền, đưa nội dung “Bộ Quy tắc ứng xử Người Quảng Ninh” vào các chương trình sinh hoạt chi bộ, các cuộc họp tổ dân phố, hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch với các hình thức phù hợp, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó, góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Hạ Long – Quảng Ninh thân thiện, lịch thiệp, mến khách…, nhất là đối với khách du lịch, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từng bước xây dựng mỗi người dân Hạ Long trở thành một đại sứ du lịch.