Với tư duy chiến lược hướng tới phát triển bền vững, Quảng Ninh đang không ngừng vun bồi, nuôi dưỡng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người trở thành nguồn lực nội sinh. Cùng với đó là những giải pháp đồng bộ, quyết liệt được triển khai trên cơ sở kết hợp hài hoà các giá trị đặc trưng của tỉnh: Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Nhân dân hạnh phúc.
Có thể khẳng định, xuyên suốt năm 2024, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai rất quyết liệt nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh, gắn với thực tế của từng đơn vị, cơ sở. Nổi bật là tiềm lực văn hóa đã trở thành nguồn tài nguyên quý để tỉnh tiếp tục phát triển ngành kinh tế du lịch. Nhiều lễ hội như Carnaval Hạ Long, Carnaval Mùa đông, Hội Hoa sở Bình Liêu, Lễ hội Trà hoa vàng Ba Chẽ, Lễ hội Trà Đường Hoa, Ngày hội Kiêng gió của dân tộc Dao, các tuần lễ văn hóa – du lịch cấp huyện… đã làm nên những trải nghiệm văn hóa vùng, miền đặc sắc, hấp dẫn du khách bốn phương.
Cũng trong năm 2024, việc xây dựng Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” đã được hoàn tất để trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Trong tháng 8, Quảng Ninh đã tổ chức đón đoàn chuyên gia do UNESCO cử đến thẩm định thực địa tại các di sản trong quần thể trên địa bàn tỉnh và được đánh giá cao về nhiều mặt. Từ đó, sẵn sàng các điều kiện để bảo vệ hồ sơ tại Kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO, dự kiến diễn ra vào giữa năm 2025.
Ngoài ra, ngành văn hoá của Quảng Ninh cũng đã tích cực triển khai công tác lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch đối với các di tích: Thương cảng Vân Đồn, đình Trà Cổ, Khu danh thắng núi Bài Thơ, đền thờ vua Lê Thái Tổ. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh lập 3 quy hoạch di tích và phê duyệt 2 dự án tu bổ, tôn tạo di tích; tham gia ý kiến 22 quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích… Hệ thống hơn 600 di tích – danh thắng cùng với hàng trăm di sản văn hoá phi vật thể hàm chứa nhiều giá trị to lớn đã được phát huy đúng giá trị trong đời sống mới.
Bên cạnh đó, 100% thôn, bản, khu phố thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước đảm bảo đúng quy định, trong đó thực hiện tốt nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới hỏi, việc tang, lễ hội… Trong vùng đồng bào DTTS, những hủ tục, nếp sống sinh hoạt lạc hậu được đẩy lùi, thay vào đó là những tinh hoa văn hóa được chọn lọc, vừa thể hiện bản sắc truyền thống, vừa phù hợp với xu thế đời sống văn minh. Các địa phương cũng chú trọng đến công tác giáo dục văn hóa cho học sinh trên địa bàn, từ đó, củng cố niềm tự hào của thế hệ trẻ vào các giá trị nhân văn tốt đẹp, giá trị lịch sử.
Phó Giám đốc Trung tâm TT-VH huyện Bình Liêu Tô Đình Hiệu cho biết: Từ nhiều năm qua, chúng tôi đã cố gắng tham mưu thành lập nhiều CLB văn nghệ dân gian và tích cực mở lớp truyền dạy hát các làn điệu truyền thống từ cơ bản đến nâng cao. Việc phối hợp truyền dạy văn hóa truyền thống trong nhà trường thực sự hiệu quả, bởi đối tượng hướng tới là các thế hệ kế cận, khi được tiếp thu vốn văn hóa của dân tộc một cách bài bản, khoa học, thì hiệu quả sẽ bền vững.
Đặc biệt, để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, năng động, sáng tạo, nhân văn, tiến bộ, Quảng Ninh đã ban hành quy định về việc thực hiện văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị khối Đảng, đoàn thể và chính quyền. Việc chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội được coi là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhất là việc thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp, bộ quy tắc ứng xử… để nhân lên nét đẹp văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương.
Ngày 11/12 vừa qua, Sở VH&TT tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Văn hóa tỉnh Quảng Ninh. Hội nghị có sự tham gia của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; cùng các chuyên gia thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội…
Các đại biểu đã tham luận về các vấn đề như: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về văn hóa, nhất là đội ngũ quản lý văn hóa cấp sở; tạo môi trường phát huy năng lực sáng tạo của nghệ sĩ, nghệ nhân; Kinh nghiệm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật ở Vương quốc Anh và một số gợi mở đối với Quảng Ninh…
|