Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã tác động không nhỏ tới văn hóa đọc sách của người Việt.
Khi mạng xã hội, các nền tảng giải trí số trở thành đối thủ
Theo thống kê năm 2023 của Hội Xuất bản Việt Nam, hiện nay sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường, số sách còn lại nếu chia đều cho hơn 90 triệu dân thì trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc được khoảng 1,2 cuốn sách/năm.
Lý giải về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thanh Mai – Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội – chia sẻ: “Về việc người Việt vẫn còn ngại đọc sách, theo tôi có thể do những nguyên nhân sau.
Đầu tiên, do việc hình thành thói quen đọc sách từ gia đình có thể chưa đủ mạnh so với các nền văn hóa khác. Thứ hai là do sự phát triển và phổ biến của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã tạo ra nhiều hình thức giải trí khác nhau, làm giảm sự quan tâm đến việc đọc sách truyền thống.
Thứ ba là do thói quen và ý thức cá nhân, vì người Việt chưa có thói quen đọc sách hằng ngày hoặc do nhận thức không đủ về tầm quan trọng của việc đọc sách trong việc học tập và phát triển bản thân. Cuối cùng có thể là do áp lực công việc, học tập hoặc các nghĩa vụ gia đình, một số người có thể thấy không có thời gian cho việc đọc sách”.
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, đến năm 2023, trong số 7,3 tỉ người trên thế giới sử dụng điện thoại, tỉ lệ điện thoại thông minh là 63% thì tại Việt Nam, con số này là hơn 84%.
Mạng xã hội và các thiết bị điện tử, nghe nhìn vô tình trở thành thách thức mới của sách và văn hóa đọc truyền thống. Giới trẻ ngày nay gần như không đủ thời gian để đọc trọn vẹn một tác phẩm, thay vào đó, họ có xu hướng thích đọc, thích xem những gì ngắn gọn, nhanh chóng, mang tính giải trí cao trên mạng xã hội.
Giải pháp
Về giải pháp phải làm thế nào giúp người Việt yêu sách hơn và đọc sách nhiều hơn, TS Thanh Mai cho rằng: “Cần có sự nỗ lực từ nhiều phía bao gồm các phong trào từ cơ quan bộ ngành liên quan, cộng đồng, các tổ chức giáo dục và hơn hết là từ phía gia đình, nhằm tăng cường ý thức và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đọc sách”.
Theo TS Thanh Mai cần khuyến khích và hình thành thói quen đọc sách từ trong gia đình, bố mẹ nên dành thời gian đọc sách cùng con cái.
Về phía nhà trường ở các cấp học, nên tổ chức các cuộc thi, chương trình khuyến đọc, kích thích sự hứng thú và tạo động lực cho việc đọc sách. Với các tổ chức xã hội, cần tăng cường vận động nhằm nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của việc đọc sách thông qua truyền thông.
Tạo điều kiện để ai cũng có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi bằng cách thiết lập các khu vực đọc sách công cộng như trong công viên, trạm chờ xe buýt và các không gian công cộng khác.
Ngoài ra, có thể khuyến khích đọc sách điện tử với kho sách phong phú, tiện ích và dễ sử dụng. Mỗi người phải tự thấy được ý nghĩa, vai trò của việc đọc sách, được truyền cảm hứng về đọc sách, yêu sách, từ đó mới có thể nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.
Việc duy trì hứng thú và phát triển kỹ năng đọc sách hiệu quả là một thách thức đối với nhiều người, vậy nên cần phải có các phương pháp và kỹ năng đọc hiệu quả như: Lựa chọn sách và không gian phù hợp với bản thân, trong thời gian đọc cần có sự suy ngẫm, trải nghiệm, linh hoạt và kiên nhẫn, từng bước từng bước một…