Bối cảnh bản địa, khai thác văn hóa vùng miền thổi một làn gió mới cho phim truyền hình Việt vốn quen thuộc với những câu chuyện hiện đại, gần gũi khán giả đại chúng.
Đưa cảnh sắc Việt lên phim
Trên sóng giờ vàng, bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ” được khán giả quan tâm khi khai thác đời sống, tính cách, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua lăng kính của hai bạn trẻ Pu (Thu Hà Ceri) và Chải (Long Vũ), câu chuyện tuổi trẻ của những thanh niên dân tộc Dao hiện lên đầy sống động. Cùng với bối cảnh Cao Bằng nên thơ và hùng vĩ, tác phẩm này nổi bật so với những phim truyền hình hiện đại lên sóng cùng thời điểm.
Hay phim “Độc đạo” cũng gây ấn tượng khi đầu tư vào bối cảnh, xây dựng những cuộc rượt đuổi, truy lùng từ thành phố đến vùng rừng núi. Trang phục của những nhân vật ở Bản Mây mang đậm bản sắc văn hóa, có sự bí ẩn, gây tò mò.
Trước đó, màn ảnh Việt có phim “Lặng yên dưới vực sâu” có góc nhìn mới lạ về câu chuyện tình yêu mãnh liệt của cặp trai gái người dân tộc H’Mông trên miền núi cao Hà Giang. Xem phim, khán giả không chỉ được chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của những dãy núi đá tai mèo, cánh đồng hoa tam giác mạch ngút ngàn, những tà váy xòe rực rỡ của những cô gái H’Mông mà còn được biết thêm phong tục tập quán đặc sắc của người dân nơi đây.
Nét văn hóa bản địa được thể hiện qua những lễ hội, phong tục cưới xin, ma chay; qua sinh hoạt thường ngày như việc cắt cỏ, rèn cuốc, xay ngô, cưỡi ngựa. Các diễn viên Phương Oanh, Đình Tú cũng tập tẽ ngô, xay ngô, cưỡi ngựa, chạy trên những con đường đồi núi gập ghềnh, đầy đá tai mèo sắc nhọn.
Phim “Cuộc chiến không giới tuyến” cũng chọn nhiều bối cảnh là các bản làng gần biên giới phía Bắc với sông núi hùng vĩ. Hình ảnh thửa ruộng bậc thang trải dài, chợ phiên bình dị của người dân vùng cao cũng xuất hiện trong phim “Đấu trí” được thực hiện chủ yếu ở Yên Bái.
Mỗi bộ phim làm về văn hóa dân tộc đều mang trong mình sứ mệnh quảng bá văn hóa, đưa những nét đẹp bản địa đến gần hơn với công chúng.
Nhiều thách thức
Để có được những thước phim mãn nhãn, khó khăn cho đoàn phim khi thực hiện phim lấy chất liệu văn hóa bản địa là điều kiện ghi hình khắc nghiệt. Ê-kíp “Lặng yên dưới vực sâu” từng chia sẻ, họ phải quay ở những vách đá nguy hiểm, điều kiện vật chất thiếu thốn, thiếu nước sạch, thời tiết rét buốt và vô vàn khó khăn khi cả đoàn có đến 50-60 người.
Đoàn phim “Đi giữa trời rực rỡ” cũng cho biết, họ mất nhiều tháng trời tìm kiếm bối cảnh, vất vả di chuyển lên các bản vùng cao. Ở “Độc đạo”, các bối cảnh đẹp được diễn ra ở những con đường cheo leo nơi vách núi, khiến diễn viên và đoàn phim phải đi nhiều ngày trong rừng nguyên sinh để ghi hình.
Dù mới lạ, chưa được khai thác nhiều là vậy, nhưng phim về chủ đề văn hóa dân tộc thiểu số lại đối mặt nhiều bài toán nan giải khi thực hiện. Một trong số đó là đảm bảo tính xác thực, khoa học của các tục lệ văn hóa bản địa.
Ngay từ khi lên sóng, “Đi giữa trời rực rỡ” đã bị khán giả nhặt sạn vì trang phục và cách mô tả tập quán của người Dao đỏ chưa phù hợp với thực tế. Nhiều khán giả là người Dao cho biết, trang phục của người Dao sẽ chia ra thường phục và lễ phục. Thế nhưng trong phim, Pu lại mặc lễ phục đi chăn trâu, còn Chải mặc yếm đỏ và hai mảnh vắt sau lưng – vốn là kiểu thuộc bộ lễ của phụ nữ người Dao.
Tình tiết người Dao xưng “mày – tao” với cán bộ trong phim cũng khiến cộng đồng người Dao không đồng tình. Chưa kể đến các chi tiết như khăn buộc đầu luộm thuộm, đàn ông trên bản trọng nam khinh nữ… cũng được cho là ảnh hưởng tiêu cực đến góc nhìn của người xem về hình ảnh người dân tộc Dao.
Trước đó, phim “Lặng yên dưới vực sâu” cũng từng nhận nhiều góp ý về giọng nói, trang phục nhân vật. Những tục lệ lâu đời như bắt vợ, cướp vợ thường nhận nhiều ý kiến trái chiều khi lên sóng.
Nếu không tìm hiểu, có sự tham khảo kỹ càng dưới góc nhìn lịch sử và văn hóa, những bộ phim lấy chủ đề văn hóa bản địa của dân tộc miền núi phía Bắc dễ rơi vào tình trạng chắp vá, sai lệch so với thực tế.