Huyện Vân Đồn đang tích cực triển khai các giải pháp lập lại trật tự nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển nhằm tạo sinh kế, mưu sinh phát triển ổn định, bền vững, lâu dài cho bà con; tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị thành phẩm và sức cạnh tranh thị trường. Đồng thời thông qua đó khắc phục tình trạng nuôi trồng manh mún, thiếu kiểm soát, không theo quy hoạch.
Huyện Vân Đồn được quy hoạch vùng nuôi biển có diện tích gần 27.000ha, thuộc 80 địa điểm, khu vực biển trên địa bàn. Thực hiện tạm dừng giao, cho thuê đất có mặt nước biển, mặt biển, khu vực biển từ năm 2017 vì điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Đồn nên hiện tại mới chỉ có 7 tổ chức được giao trên 1.440ha và 278 cá nhân được giao, cho thuê trên 740ha, tập trung tại các xã Hạ Long, Đông Xá, Thắng Lợi và Quan Lạn.
Để đảm bảo người dân được NTTS trên biển, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định về “Giao khu vực biển nhất định cho cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển”, UBND huyện Vân Đồn ban hành Quyết định số 2325/QĐ-UBND ngày 1/8/2023 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện tổ chức sản xuất, cấp phép NTTS, giao khu vực biển NTTS và xác nhận đăng ký NTTS lồng bè. Trong đó, đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban Chỉ đạo; thành viên Ban Chỉ đạo là trưởng các phòng, ban, đơn vị, Chủ tịch MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.
Ông Vũ Đức Hưởng, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Với mục tiêu cao nhất là lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phát triển kinh tế, đảm bảo người dân NTTS trên biển đều được thụ hưởng những chính sách của Nhà nước quy định, trong những ngày qua, UBND huyện đã tổ chức thành các đoàn công tác trực tiếp xuống cơ sở lắng nghe tâm tư, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Từ đó thống nhất cách làm, giao từng nội dung công việc cụ thể cho các phòng, ban tuyên truyền, quán triệt, thông tin, niêm yết công khai quy hoạch, danh sách các hộ nuôi trồng, hướng dẫn, vận động các hộ nuôi trồng tham gia, thành lập mới HTX; hướng dẫn, hỗ trợ HTX, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ liên quan đến tổ chức sản xuất, cấp phép NTTS trên biển, giao khu vực biển NTTS và xác nhận đăng ký NTTS lồng bè, giai đoạn 2023-2025.
Theo danh sách các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vân Đồn tổng hợp, hiện có khoảng 1.230 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu được cấp khu vực biển NTTS. Hiện nay, trên cơ sở Hướng dẫn của liên ngành số 3325/DHLN-SNNPTNT-STNMT ngày 25/7/2023 của Sở NN&PTNT và Sở TN&MT, các phòng, ban chuyên môn theo chỉ đạo của UBND huyện Vân Đồn đang tích cực đẩy nhanh tiến độ lập đề án nuôi biển; tuyên truyền, hướng dẫn người dân hoàn thiện các thủ tục, điều kiện được cấp phép khu vực biển để NTTS. Trong đó, một trong những điều kiện cần và đủ là các hộ dân phải liên doanh, liên kết, thành lập HTX có từ 10 thành viên trở lên.
Ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết: Việc thành lập HTX sẽ giúp các hộ liên doanh, liên kết trong phát triển NTTS, tạo ra nguồn cung cấp sản phẩm dồi dào, đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp có nhu cầu. Hạn chế được việc mạnh ai nấy làm, sản xuất manh mún, không theo thời vụ, quy hoạch, được mùa mất giá. Đặc biệt, việc thành lập HTX sẽ đảm bảo các yếu tố để nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn chính sách nhà nước, giúp các thành viên HTX có thêm nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường.
Sau hơn hai tuần triển khai, trên địa bàn huyện Vân Đồn đã có 2 HTX nuôi trồng thủy sản được thành lập, nâng lên thành 4 HTX nuôi trồng thủy sản được thành lập từ đầu năm 2023 đến nay. Theo ý kiến người dân, việc tỉnh và huyện Vân Đồn siết chặt lại công tác quản lý trong khai thác, NTTS trên biển là thích hợp, phù hợp với quá trình, định hướng phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, theo đại đa số người dân trong các cuộc họp lấy ý kiến của UBND huyện Vân Đồn tổ chức cho rằng, cần phải xem xét, tính toán mức hỗ trợ người dân trong việc thuê diện tích biển cho phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua đại dịch Covid-19. Bởi hiện tại, mức cho thuê 7,5 triệu đồng/ha/năm là quá cao, cần nghiên cứu, tính toán giãn, hoãn hoặc kéo dài khoản nộp này.
Đồng thời với đó, các cấp, các ngành cần tính toán cắt giảm thời gian giải quyết TTHC trong việc giao, cho thuê khu vực biển. Hiện tại, thời hạn giải quyết tối đa là 62 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định là quá dài, ảnh hưởng đến quá trình thành lập HTX và sản xuất mùa vụ của bà con ngư dân.