Năm 2024, thực hiện chủ đề công tác năm của tỉnh Quảng Ninh “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, ngay từ đầu năm, huyện Vân Đồn đã triển khai các hoạt động nhằm phát huy giá trị bản sắc văn hoá độc đáo, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đến Vân Đồn vào dịp đầu xuân, nhân dân và du khách sẽ được hòa mình vào những lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian đặc sắc trong không khí vui tươi, rộn ràng trên khắp các địa phương của huyện Vân Đồn.
Nhiều lễ hội được phục dựng
Ngay sau Tết Nguyên đán, từ mùng 3 Tết, xã Ngọc Vừng đã phục dựng lại nghi lễ tế Đình – Miếu Ngọc Vừng mở đầu cho những lễ hội xuân của huyện Vân Đồn.
Đình – Miếu Ngọc Vừng được xây dựng từ thế kỷ thứ XVIII (thời Hậu Lê) được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2019. Đình – Miếu Ngọc Vừng thờ 3 anh em thần tướng họ Phạm là: Phạm Quý Công, Phạm Công Chính và Phạm Thuần Dụng đã có công giúp tướng Trần Khánh Dư tiêu diệt đoàn thuyền lương của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy trong chiến thắng Vân Đồn năm 1288. Các vị này đã được triều Nguyễn phong chức thần và gia phong cho nhân dân Ngọc Vừng phục thờ tôn làm Thành hoàng làng. Để tỏ lòng thành kính với các bậc công thần, vào mùng 3 Tết hằng năm, nhân dân tổ chức lễ tế đình cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Tuy nhiên, dưới tác động các yếu tố lịch sử khác nhau, nghi lễ đã mai một.
Năm 2024, nghi lễ tế Đình – Miếu Ngọc Vừng được phục dựng lại không chỉ mang giá trị tâm linh, tín ngưỡng mà còn đóng góp vào hệ giá trị văn hoá giàu bản sắc văn hóa của Thương cảng Vân Đồn.
Nét đặc sắc và nổi bật nhất trong lễ hội xuân năm nay là Lễ hội Cầu Ngư tại Đền Vua Lý Anh Tông và Cảng cá Cái Rồng. Đây là lần đầu tiên Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức tại Vân Đồn và sẽ được tổ chức thường niên vào dịp đầu năm. Lễ hội nhằm cầu các vị thần Biển, các chư vị thần linh phù hộ cho ngư dân năm mới mạnh khỏe, bình an, mưa thuận gió hòa, để ngư dân ra khơi khai thác và nuôi trồng thủy sản được mùa bội thu, thuyền bè đi khơi về bến an toàn, dân làng no ấm, mọi người đều hạnh phúc.
Lễ hội Cầu Ngư năm 2024 được UBND thị trấn Cái Rồng tổ chức trong 2 ngày 20/2 – 21/2 (tức ngày 11 và 12 tháng Giêng), sau phần Tế lễ tại Đền thờ Vua Lý Anh Tông và Tế lễ Cầu Ngư tại Cảng cá Cái Rồng là phần hội, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, tạo không khí tưng bừng, phấn khởi trong những ngày đầu năm mới như: kéo co, giao lưu văn nghệ giữa các khu phố của thị trấn Cái Rồng, rước kiệu Vua từ Đền thờ Vua Lý Anh Tông ra khu vực tổ chức lễ tại Cảng cá Cái Rồng, cúng chúng sinh, thả đèn hoa đăng; phát động phong trào thi đua lao động đầu xuân, khai thác và nuôi trồng thủy sản và thực hiện nghi lễ tàu cá xuất hành đầu xuân – đón mùa đánh bắt mới bội thu.
Rộn ràng mùa lễ hội
Các lễ hội xuân năm nay trên địa bàn huyện Vân Đồn đều được chuẩn bị tốt và đổi mới từ công tác tổ chức đến nội dung. Nổi bật nhất là Lễ khai hội Đền Cặp Tiên do Ban quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông – Cặp Tiên tổ chức sáng mùng 6 Tết.
Năm nay, lần đầu tiên, Ban tổ chức đưa diễn tích về “Cô bé Cửa Suốt” gắn với truyền thuyết về đền Cặp Tiên diễn trong lễ khai hội. Thông qua đó, nhằm tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân lòng thành kính, biết ơn công lao của các bậc tiền nhân, tổ tiên, cha ông mình; đồng thời nhằm phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, lịch sử của di tích trong xây dựng văn hoá, con người giàu bản sắc Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, có thể kể đến các lễ hội ở nhiều địa phương khác như: Hội cờ người truyền thống tại xã Đài Xuyên, Lễ tế Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư và quân tướng nhà Trần tại Nghè Trần Khánh Dư (xã Quan Lạn), Lễ cầu an tại Đền Vua Lý Anh Tông và Lễ hội Mừng Xuân Giáp Thìn 2024 được nhiều địa phương trên địa bàn huyện tổ chức.
Ngoài phần lễ, phần hội tại lễ hội năm nay cũng được tổ chức sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian các hoạt động văn hóa đặc sắc, mang đậm tính truyền thống của từng vùng như Hội cờ người ở xã Đài Xuyên. Điểm đặc biệt ở trận đấu cờ đó là các kỳ thủ thực hiện phần biểu diễn cờ người trực tiếp theo các nước đi trên ván cờ. Các thanh niên trong trang phục truyền thống, tay cầm binh khí tương ứng với từng quân cờ trên bàn cờ, một bên xanh và một bên đỏ di chuyển theo nước cờ của các kỳ thủ. Những thế cờ hay, sự điều xe, khiển tướng tài tình của các kỳ thủ đã tạo nên sức hút đặc biệt đối với trò chơi dân gian cờ người, đồng thời thể hiện trí tuệ của các kỳ thủ qua các nước đi. Qua đó mang đến không khí sôi nổi, hấp dẫn người dân và du khách tham gia.
Hội cờ người Xuân Giáp Thìn của xã Đài Xuyên không đơn thuần để giải trí mà còn mang tinh thần thể thao trong một cuộc đấu trí tuệ. Hơn 40 năm qua, Hội cờ người xã Đài Xuyên được duy trì, bảo tồn và trở thành trò chơi truyền thống, là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân xã Đài Xuyên; là “món ăn” tinh thần mỗi khi Tết đến xuân về; là sợi dây gắn kết tình cảm cộng đồng, góp phần gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp cho thế hệ mai sau.
Lễ hội mừng xuân Giáp Thìn 2024 tại xã Bình Dân cũng độc đáo và không kém phần hấp dẫn, mang đậm bản sắc dân tộc. Lễ hội diễn ra với các tiết mục văn nghệ đặc sắc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Sán Dìu như: Hát Soọng Cô, trích đoạn “Múa hành quang”, “Lễ đón dâu của người Sán Dìu”. Cũng tại lễ hội đã diễn ra các trò chơi dân gian như: Chơi cờ, nhảy dây, bịt mặt bắt vịt, đẩy gậy, kéo co… thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự.
Du xuân trảy hội đã trở thành thói quen, nét đẹp của người Việt. Ở Vân Đồn, các lễ hội đầu xuân được tổ chức nhằm tôn vinh truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc, ngợi ca tinh thần yêu lao động, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, ước nguyện về những vụ mùa bội thu. Những lễ hội đầu năm không chỉ tạo không khí vui tươi, giúp nhân dân có thêm niềm tin, động lực, hăng say lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hoá các dân tộc trên địa bàn, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch Vân Đồn.