Vân Đồn là địa phương thiệt hại nặng nề nhất tỉnh về nuôi trồng thủy sản (NTTS) do bão số 3, với mục tiêu sớm khôi phục lại nghề nuôi biển trên địa bàn, huyện Vân Đồn đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, hộ NTTS trên biển.
Chúng tôi có mặt ở bến cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) được chứng kiến rất nhiều bà con ngư dân đang hối hả tập kết nguyên, nhiên vật liệu để chuẩn bị lắp dựng hạ tầng nuôi cá lồng bè hoặc treo thả nhuyễn thể, sẵn sàng cho một vụ nuôi biển mới. Anh Nguyễn Văn Thành (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) và các thành viên khác trong gia đình đang đưa những quả phao nổi HDPE lên bờ để phân loại, vệ sinh, cân chỉnh độ nổi, độ nén, sửa chữa vị trí móp, méo… Trước đó, những quả phao đã bị tan vỡ ra khỏi những lồng bè đang sản xuất và trôi nổi trên biển bởi sức gió và sóng biển của bão Yagi. Ở một vị trí khác, chị Nguyễn Thị Cam (trú tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) đang vận chuyển cây lọc và giá thể vỏ hàu xuống tàu để ra biển. Sự khẩn trương của chị Cam và những người bà con đến giúp chị, cho thấy người ngư dân này đang chạy đua với thời gian để có thể tái sản xuất trở lại sau bão một cách nhanh nhất.
Vân Đồn là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão Yagi vừa qua với khoảng 1.200 hộ nuôi cá biển, nuôi hàu hà bị sóng gió phá vỡ lồng lưới, giàn bè, làm chết, trôi vật nuôi, giá trị thiệt hại ước đến trên 2.000 tỷ đồng. Toàn vùng biển Vân Đồn vốn là trung tâm nuôi biển của cả tỉnh trước đó, giờ đây trở thành vùng biển trắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh.
Xác định NTTS trên biển là kế sinh nhai quan trọng của nhân dân trên địa bàn, nếu bỏ biển, rất nhiều người dân Vân Đồn sẽ không có việc làm, không có nguồn thu. Ngay sau cơn bão, bằng rất nhiều giải pháp, chính quyền huyện Vân Đồn vào cuộc, khẩn trương hỗ trợ, động viên người dân khắc phục hậu quả, nhằm mục tiêu sớm ổn định và đi vào sản xuất thuỷ sản trở lại. Các cuộc kiểm tra thực tế trên biển đã được thực hiện bài bản để đánh giá, xác định, thẩm định mức độ thiệt hại của người dân NTTS. Các hội nghị đã được diễn ra để giúp người dân tiếp cận chính sách một cách nhanh nhất, trong đó có các chính sách về khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất, cho vay mới… vốn là những thứ người NTTS đang cần nhất để có thể tái sản xuất. Gần đây hơn, huyện Vân Đồn là địa phương đầu tiên trong tỉnh tiến hành giao tạm mặt nước biển cho người dân có mặt bằng để sản xuất.
Ông Hà Văn Ninh, Phó phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn cho biết: Trên cơ sở những thủ tục pháp lý đang có, 100% các xã, thị trấn có biển của huyện Vân Đồn đều cho họp dân, cho bốc ô lốt, đánh dấu mốc và giao ngay trên biển. Quá trình giao nhận mặt nước biển và tổ chức sản xuất sau này sẽ được điều chỉnh về diện tích, vị trí sao cho phù hợp với quy hoạch và đặc thù sản xuất thực tế.
Chia sẻ, đồng hành cùng người dân NTTS bị thiệt hại do bão trên địa bàn huyện Vân Đồn, khối các đơn vị ngân hàng bằng nhiều kênh thẩm định của mình đã phối hợp xác định thiệt hại liên quan đến nguồn vốn vay đã giải ngân để làm cơ sở khoanh nợ, giãn nợ hoặc giảm lãi suất. Các ngân hàng cũng hướng dẫn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục hành chính đối với những hộ vay mới để tái sản xuất.
Sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của huyện Vân Đồn đã tạo niềm tin, sự phấn khởi cho các hộ NTTS bước vào tái sản xuất sau cơn bão dữ. Tính đến ngày 10/10, huyện Vân Đồn đã có gần 100 hộ dân NTTS hoàn thành việc thả giống hàu vụ nuôi mới, diện tích vừa thả giống là trên 150ha. Đây là những tín hiệu rất vui của Vân Đồn về phục hồi sản xuất thuỷ sản sau bão Yagi.
Tin rằng với niềm tin, ý chí, sự quyết tâm tái thiết sản xuất và kinh nghiệm của người dân, với sự đồng hành của các cấp chính quyền và tổ chức xã hội, sự sẻ chia từ những chính sách hỗ trợ thiết thực, những khó khăn do thiên tai sẽ qua, sản xuất thuỷ sản Vân Đồn sẽ trở lại bài bản, bền vững, giá trị cao, góp phần phát triển kinh tế thuỷ sản chung trên toàn tỉnh.