Vân Đồn là địa phương thiệt hại nặng nề nhất tỉnh về nuôi trồng thủy sản (NTTS) do bão số 3, với diện tích nuôi trồng trên biển gần như xóa sổ hoàn toàn. Với sự chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt của tỉnh nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, từng bước vực lại nghề nuôi biển ở Vân Đồn, huyện Vân Đồn đã tích cực vào cuộc triển khai các giải pháp, đến nay, đã có nhiều diện tích nuôi trồng được tái thả giống, mang lại niềm tin, sự kỳ vọng cho người dân.
Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở, hộ gia đình NTTS trên địa bàn huyện Vân Đồn. Trong đó, tổng sản lượng thủy sản đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.112 tấn (hàu 25.638 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn); ngoài ra, còn gây thiệt hại cho 2.000ha hàu và 3.500 ô lồng nuôi cá mới thả giống. Tổng thiệt hại dự kiến đối với NTTS của huyện Vân Đồn trên 2.300 tỷ đồng.
Với mục tiêu sớm khôi phục lại nghề nuôi biển trên địa bàn huyện Vân Đồn, đảm bảo an sinh phúc lợi cho người dân, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Vân Đồn đã sớm triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, hộ NTTS trên biển.
Ông Vũ Đức Hưởng, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Ngay sau bão, huyện đã trực tiếp tổ chức nhiều buổi làm việc với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, hộ NTTS để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, bàn giải pháp tháo gỡ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được khoanh, hoãn, giãn trả nợ ngân hàng; tiếp cận nguồn vốn vay mới mà không có tài sản thế chấp hoặc lãi suất “0 đồng” để người dân có nguồn lực tái phục hồi sản xuất.
Song song làm việc với các tổ chức tín dụng, UBND huyện Vân Đồn đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn thành lập nhiều tổ công tác tiến hành các bước để giao khu vực biển thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện trong khu vực quản lý 3 hải lý. Theo đó, đến ngày 30/9, UBND huyện đã hoàn thành các thủ tục giao xong vị trí, tọa độ, mốc giới, diện tích khu vực biển cho gần 600 hộ gia đình của 50 HTX trên địa bàn, với diện tích 4.553ha, tăng 118% diện tích nuôi so với thời điểm trước khi có bão số 3.
Theo ghi nhận từ các xã, thị trấn, hiện tại đã có 75 hộ có vị trí, tọa độ, mốc giới đã triển khai chăng dây, buộc phao nuôi hàu, với diện tích 495ha. Đến nay, đã có 90ha được bà con thả nuôi hàu giống, tập trung tại địa bàn các xã: Bản Sen, Hạ Long, Đông Xá, Thắng Lợi. Những diện tích còn lại đang được bà con tích cực đóng mốc giới, định hình lại khu vực biển, buộc phao, sắp xếp lại dàn bè theo đúng đối tượng, khu vực, mốc giới được UBND xã, thị trấn vừa giao.
Ngoài những hộ nuôi hàu biển, các hộ nuôi cá lồng bè cũng đang rất khẩn trương sửa chữa, khắc phục lắp đặt từng ô lồng bị hư hỏng, biến dạng. Ước tính sau bão đến nay, đã có 2.000 ô lồng nuôi cá được bà con khắc phục, đạt 30% so với ô lồng bị ảnh hưởng. Số ô lồng này được bà con sử dụng để nuôi những con cá còn sót lại sau bão.
Ngày 30/9 vừa qua, UBND huyện đã trao quyết định giao khu vực biển thuộc thẩm quyền giải quyết trong khu vực quản lý 3 hải lý, đối tượng trực tiếp nuôi trồng thuỷ sản cho 5 hộ gia đình nuôi cá biển tại vùng nước thuộc địa bàn thị trấn Cái Rồng, với tổng diện tích 2,5ha (mỗi 1 gia đình 0,5ha).
Ông Phạm Văn Long, khu 9, thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn), chia sẻ: Gia đình tôi rất phấn khởi khi là một trong những hộ gia đình đầu tiên trên địa bàn huyện được giao diện tích nuôi biển theo quy định. Trước đây, gia đình nuôi chủ yếu do tự phát nên khi bão số 3 làm thiệt hại, gần như không có căn cứ để hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nay gia đình nhận được quyết định giao mặt biển, đây được coi là một tài sản có thể cầm cố ngân hàng thực hiện vay vốn, tái sản xuất.
Được biết, để đồng hành cùng người NTTS trên địa bàn Vân Đồn từng bước vượt qua khó khăn, bên cạnh các tổ chức tín dụng hỗ trợ về vốn, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổi trong NTTS trong và ngoài tỉnh cũng đã tích cực vào cuộc hỗ trợ bà con theo hướng tặng phao nuôi, giảm giá thành bán các sản phẩm phao HDPE do đơn vị sản xuất và cung ứng đến tận nơi.
Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, từ một vùng “biển trắng” không còn gì sau bão, đến nay nhiều khu vực biển của Vân Đồn đã từng bước hình thành nên những vùng nuôi mới có quy mô hơn.