Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Vân Đồn. Phát huy thế mạnh này, huyện đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng Vân Đồn trở thành địa phương phát triển mạnh về biển, nhất là kinh tế thủy sản.
Phát huy lợi thế
Phát huy những tiềm năng sẵn có, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, thế mạnh của huyện, hằng năm có mức tăng trưởng mạnh, đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân sinh sống ở các xã, thị trấn ven biển của huyện.
Nghề khai thác thủy sản ngày càng được sự quan tâm đầu tư của ngư dân. Đội tàu khai thác xa bờ được đầu tư nâng công suất máy, trang thiết bị từng bước hiện đại, đồng bộ hơn để có thể vươn khơi, bám biển, khai thác ở ngư trường xa hơn và triển khai sản xuất có hiệu quả kinh tế. huyện hiện có 1.269 tàu cá, trong đó có 104 tàu đánh bắt xa bờ (chiều dài từ 12m trở lên), đạt 80% so với mục tiêu đặt ra.
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) được huyện quan tâm chú trọng phát triển, đặc biệt nghề nuôi nhuyễn thể được các công ty, cá nhân, hộ gia đình đầu tư mở rộng phát triển, đa dạng hoá các đối tượng nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, giải quyết nhiều việc làm. Một số đối tượng nuôi hiện nay phù hợp với điều kiện vùng biển, dễ tiêu thụ sản phẩm là: Hàu Thái Bình Dương, ngao giá, ốc các loại. Nhân dân đã ý thức hơn trong việc chọn con giống, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, nên nghề nuôi tiếp tục phát triển, đem lại thu nhập cao cho nhân dân.
Chị Bùi Thị Thường (xã Quan Lạn) là một trong những hộ nuôi nhiều hàu ở xã, có thu nhập ổn định từ nghề này, cho biết: Gia đình tôi hiện nuôi 60 dây hàu, mỗi dây 1 vạn con giống. Khi vào vụ thu hoạch, tôi thuê 12 nhân công làm việc. Mỗi ngày thu hoạch được 6-7 tấn hàu, giá từ 7.000-8.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng chục triệu đồng.
Huyện hiện có 3.735ha NTTS, trong đó nước ngọt 80ha, nước mặn 3.655ha; 1.173 cơ sở NTTS, trong đó có 432 cơ sở (333 hộ gia đình, 9 tổ chức) được cấp phép với diện tích nuôi 1.866,88ha, đặc biệt có 62 cơ sở được cấp mã vùng nuôi để truy xuất nguồn gốc.
Các cơ sở đã áp dụng quy trình kỹ thuật mới vào nuôi trồng, như nuôi hàu bằng dây treo võng, phao nhựa HDPE thay thế phao xốp truyền thống. Từ khi áp dụng kỹ thuật mới, sản phẩm nuôi trồng đồng đều, tỷ lệ con giống sống cao (trên 70%). Nhờ liên kết đã cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo, vừa tận dụng được nguồn rác thủy sản, vừa tăng doanh thu; điển hình là mô hình liên kết giữa HTX hàu sữa Vân Đồn và HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh trong việc thu mua, chế biến vỏ hàu thành bột, bổ sung cho cây trồng và chăn nuôi.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 38 cơ sở chế biến thủy sản các loại, có 22 sản phẩm thủy sản tham gia chương trình OCOP (6 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên) được người tiêu dùng ưa chuộng, như nước mắm, chả mực, cá khô, tôm khô, ruốc hàu…; một số sản phẩm, như hàu Thái Bình Dương của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long được tiêu thụ ở các siêu thị lớn trong nước. 9 tháng năm 2023 tổng sản lượng thủy sản của huyện đạt 51.093 tấn, bằng 62,3% so với cùng kỳ.
Hướng tới phát triển bền vững
Xác định kinh tế thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, UBND huyện đã nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, huyện thường xuyên chỉ đạo nhiệm vụ quản lý đất, mặt nước NTTS và chuyển đổi vật liệu nổi đạt quy chuẩn địa phương đối với các cơ sở NTTS; UBND các xã, đơn vị, phòng ban liên quan: Mỗi tháng phải chuyển đổi 10% số phao xốp sang phao HDPE, nếu không chuyển đổi được thì phải cắt giảm 10% số diện tích nuôi. Nhờ vậy đến thời điểm này việc chuyển đổi phao xốp sang phao HDPE cơ bản hoàn thành.
Cùng với đó, để lập lại trật tự NTTS trên biển nhằm tạo sinh kế, phát triển ổn định, bền vững, lâu dài cho bà con, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị thành phẩm và sức cạnh tranh thị trường theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định việc giao khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển”, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện tổ chức sản xuất, cấp phép NTTS, giao khu vực biển NTTS và xác nhận đăng ký NTTS lồng bè. Trong đó, Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban Chỉ đạo; thành viên là trưởng các phòng, ban, đơn vị, Chủ tịch MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.
Theo đó, các phòng, ban chuyên môn của huyện tích cực đẩy nhanh tiến độ lập đề án nuôi biển; tuyên truyền, hướng dẫn người dân hoàn thiện các thủ tục, điều kiện được cấp phép khu vực biển để NTTS. Trong đó, một trong những điều kiện cần và đủ là các hộ dân phải liên doanh, liên kết, thành lập HTX có từ 10 thành viên trở lên. Từ đầu năm 2023 đến nay có 4 HTX NTTS được thành lập. Việc thành lập HTX sẽ giúp các hộ liên doanh, liên kết trong phát triển NTTS, tạo nguồn cung cấp sản phẩm dồi dào, đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp có nhu cầu.
Ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện: “Sắp xếp lại vùng nuôi tập trung có lợi thế, phù hợp với đối tượng nuôi”
Thời gian tới huyện sẽ hoàn thiện quy hoạch nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, huyện đang thực hiện Đề án phát triển kinh tế biển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên nền tích hợp quy hoạch địa phương sẽ sắp xếp lại vùng nuôi tập trung có lợi thế; đơn vị tư vấn sẽ đánh giá sức tải môi trường, kiểm tra thổ nhưỡng, độ sâu của nước để phân lại vùng phù hợp với đối tượng nuôi; có kế hoạch thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Huyện đang tích cực chuyển đổi vật liệu nổi trong NTTS, đến nay đã hoàn thành chuyển đổi vật liệu trong nuôi hàu; các xã, thị trấn ký cam kết đến ngày 31/12/2023 sẽ hoàn thành.
Ông Nguyễn Văn Thìn, Giám đốc HTX Dịch vụ NTTS Vân Hải: “Khai thác, NTTS gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản”
HTX được thành lập gần như đầu tiên trên địa bàn huyện. Trong 22 năm qua, HTX luôn tập trung khai thác thế mạnh của địa phương, NTTS bền vững. HTX đang hướng tới sản xuất sạch, bảo đảm chất lượng, đầu ra cho các sản phẩm, phát triển lâu dài. Để làm được điều đó, HTX tập trung kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập giống đến các quy trình chăm sóc, nuôi trồng. Các hộ thành viên HTX được hướng dẫn kiểm tra thường xuyên việc ghi chép nhật ký sản xuất, các biện pháp bảo đảm ATTP, nhận định tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng chống. HTX luôn theo dõi, nhắc nhở các hộ thành viên phải chú ý thời điểm giao mùa để bổ sung nguồn thức ăn hợp lý, bảo đảm tươi, bảo quản tốt, không quá hạn sử dụng, nguồn nước không bị ô nhiễm.
Ông Phạm Văn Dương, hộ nuôi trồng (khu 9, thị trấn Cái Rồng): “Đầu tư và phát triển theo chuỗi sản xuất”
NTTS cần điều chỉnh phương thức nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái, xu hướng tác động khí hậu và nhu cầu của thị trường. Các hộ nuôi cần có phương hướng đầu tư hiệu quả, liên kết, phát triển theo chuỗi sản xuất. Từ đó sẽ giúp các hộ tạo ra nguồn cung cấp sản phẩm dồi dào, đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ, hạn chế việc mạnh ai nấy làm, sản xuất manh mún, không theo thời vụ, quy hoạch, được mùa mất giá. Đặc biệt khi tham gia vào một chuỗi liên kết sản xuất sẽ đảm bảo các yếu tố để nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn chính sách nhà nước, giúp các hộ có thêm nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Đức Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Đông Xá: “Quy hoạch vùng nuôi tập trung và bảo vệ môi trường”
Đông Xá hiện có gần 20ha NTTS. Những năm qua xã luôn lấy ngư nghiệp làm mũi nhọn để phát triển kinh tế, khuyến khích, động viên người dân chủ động đầu tư, áp dụng tiến bộ KHKT vào nuôi trồng. Nhờ đó đến nay có nhiều mô hình NTTS được triển khai và đạt hiệu quả cao.
Để nâng cao chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, xã chú trọng đối tượng nuôi nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao; thực chuyển đổi phao xốp đạt quy chuẩn theo quy định địa phương để bảo vệ môi trường, nguồn nước.
Xã sẽ bám sát quy hoạch vùng nuôi tập trung mà huyện đã triển khai, trong đó đáp ứng đầy đủ các yếu tố về vùng nước, môi trường… Các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn nên định hướng, lựa chọn các loại giống nuôi tốt, chất lượng cao để đưa vào nuôi trồng, đồng thời tính đầu ra sản phẩm ổn định, giúp người dân yên tâm phát triển nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản bền vững, có chiều sâu.