Từ nhiều năm nay, mô hình trồng cam bản địa đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Vân Đồn. Năm nay, sản lượng cam sụt giảm so với các năm trước do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhưng giá trị kinh tế vẫn duy trì ổn định. Hiện, nhiều hộ dân vẫn đang tận thu diện tích cam còn lại và những sản phẩm dịch vụ từ cam.
Xã Vạn Yên là vùng trồng cam tập trung lớn nhất trên địa bàn huyện Vân Đồn với 175 ha của 70 hộ, HTX nằm chủ yếu ở các thôn: Đài Chuối, Đài Lang, Cái Bầu và thôn 10/10. Giống cam được người dân trồng chủ yếu là cam giấy, quýt ngọt. Đây là giống cam bản địa nổi tiếng của huyện Vân Đồn đã có từ rất lâu đời và trở thành một trong những loại nông sản tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh được thị trường trong và ngoài địa bàn tỉnh ưa chuộng.
Gia đình bà Lê Thị Bảy, Giám đốc HTX Cam 10-10, xã Vạn Yên là một trong những hộ trồng cam có quy mô lớn trên địa bàn. Với kinh nghiệm gần 30 năm trồng giống cam giấy hay còn gọi là cam bản địa, hiện gia đình bà có tổng diện tích khoảng 20ha. Năm nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, sản lượng cam của gia đình bị giảm một nửa, ước thu được khoảng 22 tấn. Tuy nhiên, với giá thành cao, cùng với việc gia đình mở thêm một số sản phẩm dịch vụ tạo điều kiện cho du khách tham quan, trải nghiệm nên mang lại doanh thu cao khoảng 1,3 tỷ đồng/năm.
Theo bà Lê Thị Bảy, gia đình bà và các thành viên của HTX vẫn đang duy trì và chăm sóc mô hình trồng cam giấy, quýt ngọt với quy trình và kỹ thuật chăm sóc đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao bằng các biện pháp sử dụng các loại phân chuồng, hữu cơ và phân vi sinh nên chất lượng quả cam đưa ra thị trường luôn có hương vị đặc trưng, được nhiều khách ưa chuộng. Hiện, diện tích và sản lượng cam của gia đình vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Với 20ha, gia đình đã thu hoạch được một nửa vườn và đang thu nốt diện tích còn lại từ nay đến Tết Nguyên đán.
Ngoài Vạn Yên, cam còn được trồng nhiều ở xã Bản Sen, Đài Xuyên, chủ yếu là các loại cam sen, cam giấy và cam tẩu đặc trưng của địa phương vẫn đang được người dân trồng và duy trì hiệu quả đến nay. Đây cũng chính là một trong những cây trồng chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Hiện, toàn huyện có 275 ha trồng cam. Năm nay, do ảnh hưởng của bão số 3, sản lượng cam giảm một nửa, ước còn khoảng 450 tấn các loại. Tuy nhiên, với giá thành cao, ổn định, dao động từ 42- 45.000 đồng/kg, mang lại tổng doanh thu khoảng trên 13 tỷ đồng.
Cùng với việc cung cấp sản phẩm cam cho thị trường trong và ngoài địa bàn tỉnh, nhiều hộ trồng cam còn quan tâm đầu tư, đổi mới các loại hình kinh doanh một số sản phẩm dịch vụ từ cam như: bán vé tham quan, trải nghiệm vườn cam; tổ chức thi hái cam nhanh, đúng kỹ thuật cùng các dịch vụ ẩm thực tại vườn cam nên thu hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt là huyện Vân Đồn đã đưa Lễ hội cam trở thành một trong những sản phẩm độc đáo gắn với du lịch trải nghiệm đặc trưng của địa phương. Theo đó, ngày 7/12 vừa qua, Lễ hội cam Vân Đồn lần thứ 2 đã được tổ chức tại thôn 10-10, xã Vạn Yên với sự tham gia của đông đảo các hộ dân và HTX trồng cam, đã mang đến trải nghiệm thú vị cho người dân, du khách.
Ông Phạm Duy Thành, Chủ tịch UBND xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, cho biết: Năm nay, Lễ hội cam Vân Đồn được tổ chức theo quy mô cấp xã, dưới sự chỉ đạo, giám sát của huyện. Với lợi thế của sản phẩm cam rất đặc trưng nên được nhiều người trong và ngoài địa bàn tìm mua thưởng thức. Chúng tôi luôn cố gắng mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị nhất khi tham gia, thưởng thức sản phẩm đặc trưng của địa phương. Thông qua Lễ hội mong muốn góp phần bảo tồn, phát huy, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn trong việc gìn giữ, phát triển cây cam gắn với thúc đẩy du lịch cộng đồng, trải nghiệm tham quan vườn cam, thu hút khách du lịch và nâng cao thu nhập cho nhân dân.