Sau hơn 13 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, Hội nông dân các cấp thể hiện vai trò tập hợp, vận động cán bộ, hội viên, nông dân phát huy trí tuệ, huy động nguồn lực tham gia các hoạt động thiết thực thực hiện chương trình NTM ở từng địa phương.
Trong hành trình xây dựng NTM của huyện Đầm Hà, Hội Nông dân huyện đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực phù hợp với lợi thế địa phương, từ khâu sản xuất đến xây dựng mẫu mã, thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, huyện Đầm Hà có 16 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sản phẩm OCOP 4 sao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Anh Hà Thanh Tiêu, Giám đốc HTX Thương mại và Chế biến thực phẩm Khánh Đan (xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà), cho biết: Sản phẩm chủ lực của HTX là chả mực và chả cá mực đạt OCOP 3 sao. Chính quyền, đoàn thể địa phương rất quan tâm động viên tinh thần, tạo điều kiện để chúng tôi tham gia các khóa tập huấn về điều hành, quản lý HTX, bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Tôi rất kỳ vọng được hỗ trợ mặt bằng để mở rộng quy mô nhà xưởng.
Nhờ những mô hình kinh tế phù hợp và sự lan tỏa của phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện Đầm Hà năm 2023 đạt gần 75 triệu đồng/năm, cao gấp 4 lần so với năm 2010, góp phần giúp huyện trở thành huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao.
Từ 2010 đến nay, để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, Hội Nông dân tỉnh đã tạo các nguồn vốn, quỹ thông qua các kênh, như: Quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Thương mại. Trong đó, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2023 đạt trên 86 tỷ đồng; tổng nguồn vốn uỷ thác từ các ngân hàng qua tổ chức hội nông dân đạt trên 2.200 tỷ đồng. Công tác đào tạo nghề cho lao động để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cũng được quan tâm.
Đến nay, hội viên, nông dân tại các địa phương trong tỉnh đã phát huy vai trò chủ thể trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tham gia tích cực xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa. Giai đoạn 2018-2023, hội viên, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp trên 615 tỷ đồng, trên 9.000 ngày công, hiến trên 1 triệu m2 đất; làm mới, sửa chữa, nâng cấp 1.610km kênh mương, 2.185km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng; sửa chữa hàng trăm nhà văn hóa thôn, khu… Qua đó, góp phần tạo sự đột phá phát triển KT-XH của địa phương.
Xác định xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng và sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức; đây cũng là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Hội Nông dân Quảng Ninh tham gia xây dựng NTM” diễn ra ngày 22/5. Bên cạnh những “điểm sáng” có thể thấy đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo vẫn có những khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn chưa đồng đều; chất lượng lao động nông thôn qua đào tạo nghề chưa như kỳ vọng…
Tham dự tại Hội thảo trên, nhiều đại biểu cho rằng: Quảng Ninh cần đặc biệt quan tâm, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong tuyên truyền, vận động, giáo dục tư tưởng cho người nông dân về kinh tế hợp tác, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu. Mục tiêu là sản xuất ra nông sản có trách nhiệm với người tiêu dùng, với xã hội, môi trường. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập tại nông thôn, gắn với kinh tế số, nhằm tạo nên sự phản xạ của người dân, đơn vị kinh tế tập thể trong đổi mới, sáng tạo và thích ứng. Hội Nông dân tỉnh cần tiên phong về bồi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân nông nghiệp, làm điểm tựa và đòn bẩy cho phong trào xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Thời gian tới, Hội tập trung vận động hội viên, nông dân tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, khởi nghiệp ở nông thôn. Đồng thời, chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị dẫn dắt nông thôn, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.