Chiều 22/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6 để thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục chủ trì phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban là Phiên họp thường kỳ nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị tiến hành sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025…
Việc triển khai Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, nhất là các yếu tố của hậu đại dịch Covid-19, tình hình thế giới và thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt tới việc triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực Ủy ban theo dõi, phụ trách.
Trong bối cảnh đó, với tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tập thể Ủy ban đã nỗ lực triển khai, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật.
Trong bối cảnh hoạt động ngoại giao thế giới, ngoại giao nghị viện được tái khởi động, công tác đối ngoại của Ủy ban diễn ra sôi động với các hoạt động tổ chức đoàn ra của Ủy ban; cử đại diện Thường trực Ủy ban tham gia các khóa học, đoàn công tác, đoàn nghiên cứu, trao đổi của Quốc hội, các cơ quan liên quan; tham gia các hoạt động tiếp Đoàn quốc tế của Lãnh đạo Quốc hội.
Năm 2023, Ủy ban, Thường trực Ủy ban tiếp tục giữ vững, phát huy đoàn kết nội bộ, tinh thần trách nhiệm, năng lực, sở trường của từng thành viên, chủ động, sáng tạo điều chỉnh linh hoạt kế hoạch hoạt động, áp dụng phương thức làm việc phù hợp để tổ chức triển khai và hoàn thành tốt khối lượng lớn các nhiệm vụ đề ra, đạt nhiều kết quả tích cực.
Đồng thời Ủy ban phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi, làm việc với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan để nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ; đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết kịp thời các vấn đề cụ thể, sát thực, góp phần khắc phục các bất cập, hạn chế, phát triển các lĩnh vực phụ trách.
Thường trực Ủy ban đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, thông tin sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; công tác thông tin, tuyên truyền về thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, thúc đẩy du lịch phục hồi, phát triển bền vững; công tác chuẩn bị năm học mới 2023-2024 đối với tất cả các cấp học; công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2022-2023, công tác tuyển sinh đại học năm học 2023-2024…
Với phương châm chuẩn bị “từ sớm, từ xa” đề ra từ đầu nhiệm kỳ, công tác lập pháp của Ủy ban được thực hiện nề nếp, nghiêm túc, chất lượng với nhiều hình thức. Trong đó, rà soát các nhiệm vụ lập pháp; tổ chức các hoạt động khảo sát phục vụ việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến lĩnh vực phụ trách, đặc biệt là lĩnh vực di sản văn hóa phục vụ việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa trong năm 2024; thẩm tra đề nghị bổ sung các dự án luật, nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Về công tác giám sát, Ủy ban hoàn thành tốt nhiệm vụ chủ trì tham mưu về nội dung, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu cao này, Ủy ban đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm, quyết liệt trong việc tham mưu, thực hiện như: Chủ động tổ chức khảo sát một số cơ sở giáo dục để xây dựng, hoàn thiện bộ công cụ giám sát trước khi giám sát chính thức tại các địa phương; đề nghị một số cơ quan phối hợp triển khai nhiều công việc để có thêm cơ sở đánh giá; xây dựng hệ thống báo cáo chuyên đề liên quan đến nội dung giám sát, đặc biệt là những vấn đề được dư luận, cử tri quan tâm.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về các lĩnh vực, như: giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin-truyền thông; tín ngưỡng, tôn giáo; công tác thanh niên, trẻ em.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các ý kiến đề nghị cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để tiếp tục hỗ trợ, phát triển, tăng cường quản lý đối với khối mầm non ngoài công lập; chăm lo giáo dục mầm non trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông công nhân lao động. Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng lộ trình. Khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2025.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo hướng đi vào chiều sâu thực chất gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin. Tăng cường hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, chú trọng chuyển đổi số, phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu và đào tạo.
Về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, các ý kiến đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa; ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao; bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá; tập trung phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác đào tạo, huấn luyện; bảo đảm chế độ cho vận động viên, huấn luyện viên.
Đồng thời, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến, liên kết, chuyển đổi số, thống kê hoạt động du lịch.