Chủ động đầu tư các công nghệ sản xuất hiện đại, cải tổ lại quy trình hoạt động một cách hợp lý nhằm tiết kiệm nguồn nguyên, nhiên liệu, nhân công… là những giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh nỗ lực thực hiện. Điều này không chỉ góp phần hiện thực hóa lộ trình sản xuất xanh, sạch hơn trong công nghiệp mà còn là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
UBND tỉnh vừa ban hành quyết định về việc tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật sản xuất xi măng xanh do tổ chức phi chính phủ ASSIST Inc (Hiệp hội Cải thiện xã hội và chuyển đổi bền vững châu Á, có hội sở chính tại Philippines) viện trợ không hoàn lại. Xi măng xanh là một sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu lượng khí thải carbon trong sản xuất xi măng. Theo đó, dự án sản xuất xi măng xanh do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai. Thực hiện dự án, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cùng Công ty CP Xi măng Hạ Long sẽ thử nghiệm phân loại, sử dụng phế thải công nghiệp và sinh hoạt làm nguyên liệu đốt lò trong sản xuất xi măng tại nhà máy, giảm thiểu các bãi chôn lấp chất thải tại TP Hạ Long và các địa phương trong tỉnh.
Dự án sẽ được triển khai thử nghiệm trong 2 tháng (kể từ ngày 2/5). Tổ chức ASSIST Inc sẽ hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án với tổng nguồn vốn trên 8,6 tỷ đồng. Dự án là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ Hotdics (công nghệ sử dụng lò phản ứng theo phương pháp nhiên liệu thay thế) xử lý tất cả các loại chất thải, từng bước nhân rộng cho ngành xi măng và công tác quản lý chất thải tại địa phương; đồng thời, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải, góp phần bảo vệ môi trường.
Quảng Ninh là địa phương có nhiều hoạt động công nghiệp với nguồn phát thải ra môi trường lớn. Bởi vậy trong suốt thời gian qua, tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội xanh bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030, thực hiện ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường. Cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; chủ động và tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng đã áp dụng thực hiện nội dung bảo vệ môi trường vào các nhiệm vụ quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong đó, chú trọng ưu tiên, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường.
Là đơn vị đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, TKV nhận thức rõ ràng trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu phát thải, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, bảo vệ môi trường. Năm 2024, TKV tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, thông qua hàng loạt kế hoạch hành động, với nguồn lực chi phí trên 1.100 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên sử dụng trong sản xuất, nghiên cứu lựa chọn các công nghệ khai thác, chế biến, sàng tuyển theo hướng đồng bộ hóa các khâu; đầu tư các thiết bị vận chuyển hiện đại giảm phát thải ra môi trường. Điển hình như hệ thống thu hồi than và thu hồi bùn nước tại Công ty Tuyển than Cửa Ông, giúp đơn vị thu hồi triệt để than từ mặt bằng công nghiệp và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, cải thiện môi trường khu vực sản xuất. Hoặc hệ thống máy hút bụi và bơm nước vệ sinh mặt sàn thao tác tại Phân xưởng Sàng tuyển tiêu thụ, Công ty Tuyển than Hòn Gai, cũng giải quyết vấn đề bụi phát tán trong khu vực sản xuất, đồng thời thu hồi tài nguyên hiệu quả.
Không chỉ duy trì công tác bảo vệ môi trường thường xuyên, TKV sẽ chỉ đạo hoàn thiện hệ thống băng tải vận chuyển than thay thế cho ô tô vận chuyển tại vùng than Hạ Long nhằm kiểm soát triệt để sự phát tán của bụi, tiếng ồn từ công đoạn vận chuyển than và các dự án cải tạo, nâng cao năng lực dỡ tải và bốc rót tiêu thụ than. Ngoài ra, Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất mở rộng các trạm xử lý nước thải mỏ, tăng cường thu gom xử lý nước thải và các loại chất thải; tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ khai thác góp phần bảo vệ môi trường.
Hiện nay, hầu hết các nhà máy tại tỉnh Quảng Ninh đều có hệ thống xử lý nước thải, làm tốt công tác xử lý chất thải rắn. Quảng Ninh cũng là một trong số ít địa phương ban hành quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nuôi, trồng thủy sản lồng, bè, giàn có sử dụng phao nổi. Tất cả khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung bảo đảm thu gom toàn bộ nước thải phát sinh, đã có phương án ứng phó và khắc phục sự cố của hệ thống xử lý nước thải tập trung. Chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và liên tục được quan trắc tự động, kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng ESCO, thúc đẩy du lịch xanh… Phấn đấu đến năm 2025, sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường. Toàn bộ dự án trước khi cấp phép hoạt động đều phải bảo đảm thủ tục pháp lý về môi trường theo đúng quy định. Không chấp thuận các dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu và các loại hình sản xuất phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đây được đánh giá là những động thái tích cực, quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Quảng Ninh.