Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, với sức hút rất lớn, sự chuẩn bị chủ động, tích cực, nếu sớm có những chính sách ưu đãi đầu tư đủ sức cạnh tranh, Việt Nam có thể đón đợt sóng bùng nổ đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao. Năm 2024 sẽ là năm đột phá về thu hút FDI của Việt Nam.
Mới đây, trong khuôn khổ Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia và thăm chính thức Australia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có các hoạt động tiếp song phương và làm việc với một số đối tác tại Australia trong lĩnh vực thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành điện tử, bán dẫn.
Cụ thể, trong cuộc gặp ông Pat Conroy, Bộ trưởng Phát triển quốc tế và Thái Bình Dương của Australia, hai Bộ trưởng đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế – đầu tư – thương mại thông qua các dự án hợp tác cụ thể, hiệu quả, phù hợp với lợi thế và định hướng phát triển của hai bên. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực cho lĩnh vực điện tử, bán dẫn.
Thực tế, đã có nhiều “đại bàng” công nghệ “làm tổ” tại Việt Nam và không ngừng gia tăng quy mô đầu tư như: Samsung, Foxconn, Goertek, Intel… Hãng Apple tuy chưa có nhà máy sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, nhưng đã có hơn 30 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc cho Apple tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết: Thời gian gần đây, hàng loạt các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức đã đến Việt Nam để trao đổi cơ hội hợp tác, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn. Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua cũng rất tích cực chuẩn bị để đón nhận dòng vốn mới và đáp ứng yêu cầu để thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
“Theo giới quan sát, Mỹ đang mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng chip, trong bối cảnh lo ngại về căng thẳng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhất là khi phần lớn năng lực sản xuất chip của thế giới tập trung vào Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam có nhiều lợi thế trong chiến lược này”, ông Toàn cho hay.
Đặc biệt, mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định. Nhờ đó, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Những nỗ lực xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh cũng đã mang lại hiệu quả và cùng với đó, Việt Nam cũng đang nhận được thuận lợi nhờ làn sóng mở rộng đầu tư sang Đông Nam Á của các doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi thu hút đầu tư. Theo đó, cần đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, mang tính sàng lọc để lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, các dự án đầu tư có chất lượng cao. Đồng thời, đa dạng hóa chính sách ưu đãi đầu tư theo kinh nghiệm quốc tế để thu hút được những nhà đầu tư thế hệ mới, đi vào thực chất đầu tư làm gia tăng giá trị…
Dù đang đứng trước triển vọng từ thu hút FDI, song theo ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, Việt Nam cũng cần xác định các trở ngại, nút thắt trong thu hút đầu tư nước ngoài và cần tìm cách tháo gỡ. Bởi, theo ông Tim Evans, thứ nhất đó là chất lượng và khả năng tiếp cận nguồn lao động. Thứ hai là chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam tụt lại sau Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan với nhiều thiếu hụt trong năng lực logistics, thời gian giao hàng, khả năng truy xuất. Cuối cùng là về môi trường pháp lý.
Khảo sát kết nối toàn cầu HSBC (HSBC Global Connection) chỉ ra rằng, các thay đổi về luật pháp là một trong hai thách thức lớn nhất với doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam; trong đó, 30% công ty gặp khó khăn với việc thích nghi các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng.
Ngoài tháo gỡ những nút thắt về thu hút FDI, ông Tim Evans khuyến nghị, Việt Nam cần có chiến lược nhằm thu hút thêm FDI với khởi đầu bằng việc tìm hiểu và nắm bắt tình hình cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước còn lại trong ASEAN. Còn đối với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (từ 1/1/2024), nhiều chuyên gia nhận định: Đây không phải yếu tố quyết định tác động đến dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm nay.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, dòng chảy đầu tư FDI từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024 vào Việt Nam không thay đổi khi Việt Nam đã ban hành kịp thời các chính sách để ứng phó, an tâm nhà đầu tư. Thực tế, các doanh nghiệp lớn đã có sự chuẩn bị chiến lược, điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội, thuế tối thiểu toàn cầu cho đến thời điểm này chưa có tác động tiêu cực lớn. Động thái của Quốc hội, Chính phủ rất khẩn trương, ban hành nghị quyết của Quốc hội về thuế tối thiểu toàn cầu là giải pháp kỹ thuật rất tốt.
Thực tế dòng vốn mới tăng mạnh, khi đưa lên bàn cân, thuế như nhau, nhà đầu tư truyền thống vẫn cảm nhận nhiều cơ hội từ môi trường đầu tư của Việt Nam. Những giải pháp chính sách của Chính phủ đã và sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm tăng đầu tư mới và cũng chưa có công ty nào rời khỏi Việt Nam do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Tuy nhiên, để bù đắp cho những lợi thế so sánh có thể mất đi, các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam nên quan tâm đến việc tạo thêm thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là giảm chi phí liên quan đến hạ tầng, ưu đãi hơn trong đầu tư, tiếp nhận công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực phù hợp định hướng kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài…
“Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư FDI; đặc biệt là đầu tư trong ngành bán dẫn. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.