Tên gọi Uông Bí từ lâu đã đi vào tiềm thức của người dân Quảng Ninh bởi gắn với mỏ than Vàng Danh – mỏ hầm lò lớn nhất đầu tiên của ngành than, gắn với Nhà máy điện Uông Bí anh hùng, gắn liền với địa danh non thiêng Yên Tử…
Có một Uông Bí anh hùng
Ngày 28/10/1961, TX Uông Bí được thành lập theo Quyết định số 180/CP của Hội đồng Chính phủ. Ngay từ thời điểm khởi đầu đấy, Uông Bí đã là một hạt nhân công nghiệp bởi sự hiện diện của sản xuất than – điện…
Ngay sau thành lập thị xã, trong bối cảnh toàn miền Bắc, bao gồm cả Quảng Ninh khi đó phải phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tần suất các đợt máy bay và tàu chiến ném bom, bắn phá rất ác liệt, cán bộ, nhân dân TX Uông Bí vẫn hăng hái thi đua, vừa duy trì sản xuất, vừa chống trả chiến tranh để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đặt ra.
Ông Hoàng Lưu, công nhân Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí giai đoạn 1961-1991 nhớ lại: Những lứa công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ Uông Bí khi đó mang trong mình tinh thần khí thế hừng hực nhiệt huyết cách mạng “mỗi người làm việc bằng hai”. Các phong trào thi đua “3 sẵn sàng”, “3 đảm đang”, với khẩu hiệu “tay búa, tay súng”… “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… đã cổ vũ tinh thần mọi người dù có phải sơ tán vì bom đạn thì sản xuất vẫn tiếp tục. Điện từ Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí không ngừng phát lên lưới, than Vàng Danh vẫn tuôn chảy ngày đêm. Quân và dân Uông Bí tạo nên cao trào cách mạng rất đỗi tự hào, trở thành một trong những địa phương đi đầu, chủ lực của tỉnh phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Dũng cảm trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động, sản xuất, cán bộ, nhân dân Uông Bí không chỉ đưa thị xã từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh vươn lên trụ vững, mà còn đóng góp sức người, sức của chi viện cho miền Nam, góp phần thống nhất nước nhà 30/4/1975; góp sức người, sức của giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới tháng 2/1979.
Non sông Việt Nam liền một dải, Uông Bí kiên định từng bước tiến lên con đường CNH, HĐH, ĐTH và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tháng 2/2008, Uông Bí được công nhận là đô thị loại 3. Ngày 25/2/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP thành lập TP Uông Bí trực thuộc tỉnh Quảng Ninh. Chỉ 2 năm sau đó, năm 2013, Uông Bí tiếp tục trở thành đô thị loại II. Đây là dấu mốc quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để Uông Bí vươn xa hơn trong tiến trình hội nhập và phát triển hôm nay.
Hạt nhân than – điện vững mạnh
Nhiệt điện Uông Bí và Than Vàng Danh là 2 doanh nghiệp hạt nhân, gắn với sự hình thành và phát triển của TP Uông Bí. Ngược dòng lịch sử, ngày 19/5/1961, nhân kỷ niệm sinh nhật Bác lần thứ 71, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí được khởi công xây dựng. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dự buổi lễ. Đây là công trình nhiệt điện lớn nhất miền Bắc khi đó.
Ngày 26/11/1963, dòng điện đầu tiên của nhiệt điện Uông Bí đã hòa chung vào lưới điện của miền Bắc XHCN, đánh dấu Nhiệt điện Uông Bí chính thức đi vào vận hành.
Những năm vận hành năm sau đó, Nhiệt điện Uông Bí lần lượt mở rộng công suất từ 24MW lên 48MW, lên 153MW, lên 330MW và đạt tổng công suất 630MW như hiện nay, đảm bảo cung ứng lượng điện 4 tỷ kWh/năm. Trong quá trình hoạt động, Nhiệt điện Uông Bí liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, đóng góp cho hệ thống điện quốc gia gần 90 tỷ kWh, nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng/năm. Nhờ đó Nhiệt điện Uông Bí vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1973; Anh hùng LLVT nhân dân năm 1998.
Đồng chí Vũ Quang Chiến, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí cho biết: Hiện nay Công ty Nhiệt điện Uông Bí nỗ lực sản xuất điện với mục tiêu “An toàn – chất lượng – hiệu quả” phục vụ cho nền công nghiệp và đời sống xã hội của nhân dân. Mục tiêu năm 2023, đơn vị đạt tổng sản lượng điện 3,9 tỷ kWh. Tính đến hết tháng 9 vừa qua, đơn vị đã đạt gần 3 tỷ kWh, vượt kịch bản tăng trưởng.
Đối với Than Vàng Danh, ngay từ khi thành lập năm 1963 đã là mỏ than hầm lò lớn nhất ngành Than Việt Nam. Trên chặng đường gần 60 năm phát triển, Than Vàng Danh đã thu hút trên 2 vạn thợ mỏ đến từ mọi miền đất nước và khai thác trên 70 triệu tấn than, đào mới hơn 800km đường lò, được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, được nhận thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, được Chính phủ tặng thưởng cờ thi đua xuất sắc…
Năm 2003, nhờ có những đổi mới về công nghệ, Than Vàng Danh đánh dấu mốc son cho sự bứt phá về sản lượng sản xuất, đạt 1 triệu tấn than. Kể từ đó, công nghệ sản xuất than của Vàng Danh ngày càng hiện đại, cơ giới hoá, tự động hoá đồng bộ, dẫn đến sản lượng than của Vàng Danh liên tục được tăng lên, gấp nhiều lần so với thiết kế ban đầu. Hiện Than Vàng Danh đạt sản lượng ổn định hơn 4 triệu tấn/năm. Riêng năm 2022, Than Vàng Danh đạt sản lượng trên 4 triệu tấn, doanh thu trên 6.000 tỷ đồng, vượt gần 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Sự phát triển của Than Vàng Danh góp phần không nhỏ vào tổng thể phát triển của TP Uông Bí hôm nay.
Kể từ năm 2005 đến nay, du lịch dần trở thành ngành kinh tế thế mạnh của TP Uông Bí, đến nay Di tích danh thắng Yên Tử đã trở thành Trung tâm du lịch văn hoá tâm linh của quốc gia và vươn tầm quốc tế.
Yên Tử gắn liền với cuộc đời tu hành của Điều Ngự Giác Hoàng – vị vua giác ngộ Phật Trần Nhân Tông. Trên bước đường phát triển cùng TP Uông Bí, Yên Tử từ hiện trạng phế tích đã được trùng tu, tôn tạo, tái hiện đủ đầy về tinh thần và kiến trúc của một Trung tâm Phật giáo Việt Nam.
Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Ninh (QUNIMEX) là đơn vị đầu tiên phát triển hệ thống dịch vụ tại Yên Tử. Sau này QUNIMEX thành lập Công ty CP Phát triển Tùng Lâm và giao đơn vị này phụ trách đầu tư tại Yên Tử. Tùng Lâm lần lượt là chủ đầu tư của nhiều dự án với tổng giá trị đầu tư đến nay là trên 2.500 tỷ đồng, đó là một con số khổng lồ.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Phát triển Tùng Lâm khẳng định: Sự đầu tư tổng thể cho Yên Tử đã khiến di tích này từ chỗ vắng người qua lại thì nay đã đón hàng triệu lượt người mỗi năm. Năm 1974 Yên Tử được công nhận là di tích Quốc gia; năm 2012 được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt; hiện đang trong lộ trình trở thành di sản thế giới. Yên Tử đã định danh Uông Bí trên bản đồ du lịch nước nhà và thế giới.
Định hình là trung tâm du lịch văn hoá tâm linh quốc tế
Than – điện, du lịch phát triển, kéo theo loạt ngành nghề, lĩnh vực, hoạt động sản xuất cơ khí, chế biến, chế tạo, vật liệu xây dựng, dịch vụ mỏ, nông nghiệp công nghệ cao… của TP Uông Bí phát triển, tạo nên sự chuyển động toàn diện nền kinh tế Uông Bí.
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Uông Bí đạt hai con số, năm 2022 là 12%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm (2020-2022) đạt trên 11.000 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 7,1% so với dự toán tỉnh giao. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 9.000 USD/người, tăng bình quân 7,5%/năm, năm 2023 đang phấn đấu đạt 10.000USD. Hết năm 2022 Uông Bí không còn hộ nghèo, hết tháng 9 này, Uông Bí hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Uông Bí phong phú và đa dạng, một diện mạo đời sống văn hóa mới lành mạnh, văn minh từng bước được hình thành và phát triển…
Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định Uông Bí sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại – dịch vụ; trung tâm y tế và đào tạo của tỉnh Quảng Ninh; trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước; trung tâm giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là đô thị có vị trí quan trọng của vùng phía Tây tỉnh Quảng Ninh.
Riêng về lĩnh vực du lịch, Uông Bí được định hình là trung tâm du lịch văn hoá tâm linh quốc tế, trong đó Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử là hạt nhân. Điều này thể hiện trong chiến lược phát triển ổn định của tỉnh Quảng Ninh, xác định phát triển Yên Tử là trọng tâm du lịch văn hoá tâm linh quốc tế, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đưa Quảng Ninh trở thành đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế, với chỉ tiêu đến năm 2030 đón khoảng 25 triệu lượt du khách (trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế), đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6%/năm. Mục tiêu xây dựng Uông Bí thành trung tâm du lịch văn hoá tâm linh của cả nước cũng nằm trong mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Uông Bí lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hiện nay, Yên Tử đang trong lộ trình đề cử trở thành Di sản thế giới. 3 địa phương: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã gửi dự thảo hồ sơ khoa học Yên Tử lên bộ, ngành Trung ương và chính phủ. Theo kế hoạch, Nhà nước Việt Nam sẽ nộp bản thảo hồ sơ (lần 1) lên Trung tâm Di sản thế giới UNESCO trước ngày 30/9/2023; bản hoàn chỉnh cuối cùng sẽ được trình lên UNESCO trước 1/2/2024. Đây là cơ hội để Uông Bí nói chung, Yên Tử nói riêng tiến nhanh đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch tâm linh quốc tế như mục tiêu đã đề ra.
Đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Thành uỷ Uông Bí cho rằng: Nhìn lại chặng đường hơn 60 năm hình thành và phát triển của TP Uông Bí, nhìn lại truyền thống văn hóa, trầm tích lịch sử, bước đường đấu tranh, lao động, dựng xây, đổi mới hội nhập… của Uông Bí, bất cứ người dân Uông Bí, người dân Quảng Ninh nào cũng đều dâng trào niềm tự hào. Thực tế những gì 60 năm qua mà Uông Bí, Quảng Ninh đạt được thực sự là kỳ tích, mà giá trị của nó có thể còn được chiêm nghiệm, kế thừa, phát huy trong lâu dài mãi về sau. Uông Bí hôm nay tự tin phát triển thành đô thị năng động phía Tây của tỉnh, trở thành các Trung tâm Giáo dục, Y tế; Trung tâm Công nghiệp, Du lịch, Thương mại – Dịch vụ hiện đại, đặc biệt là Trung tâm du lịch văn hoá tâm linh quốc tế.