TP Uông Bí đã và đang nỗ lực phát huy thế mạnh các giá trị văn hóa trong việc xây dựng hình ảnh điểm đến và khẳng định thương hiệu du lịch của Uông Bí theo hướng du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch xanh và bền vững.
Từ đầu năm đến nay, TP Uông Bí đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo gắn với đẩy mạnh thu hút khách du lịch, nhất là du lịch tâm linh, văn hóa trong mùa lễ hội đầu năm… Thành phố cũng tập trung triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch mới đã đăng ký. Đồng thời rà soát, đăng ký bổ sung thêm các sản phẩm du lịch mới đã đưa vào khai thác thu hút khách du lịch trên địa bàn như: Mô hình du lịch cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y tại thôn Khe Sú II, xã Thượng Yên Công; Sản phẩm du lịch thực tế ảo VR360 cho Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử.
Đặc biệt, nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y và mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Khe Sú II chính là 2 sản phẩm du lịch mới trong tổng số 62 sản phẩm du lịch mới của toàn tỉnh được đưa vào khai thác, đón khách du lịch trong năm 2024. Trong đó, nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y, tổng kinh phí đầu tư 800 triệu đồng. Trong Nhà trưng bày sẽ tái hiện 5 không gian văn hóa người Dao Thanh Y, với chú thích song ngữ (Việt – Anh), bao gồm: Không gian trưng bày trang phục nam – nữ dân tộc Dao Thanh Y; Không gian giới thiệu chung Lễ cấp sắc dân tộc Dao Thanh Y (cụm mô hình mô phỏng bằng tượng theo tỷ lệ 1:1 và những hình ảnh, nội dung thuyết minh về nghi lễ cấp sắc); Tái hiện mô hình nhà trình tường của người Dao Thanh Y (được thiết kế mô phỏng); không gian trưng bày góc bếp người Dao Thanh Y; Không gian trưng bày một số hình ảnh, hiện vật gắn liền với đời sống, sinh hoạt, văn hóa của người Dao Thanh Y…
Mô hình du lịch cộng đồng ở thôn Khe Sú II có tên gọi là Tổ hợp tác cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y do chị Trương Thị Thanh Hương đầu tư trên diện tích khoảng 300m2 với kinh phí hơn 1 tỷ đồng và đi vào hoạt động từ tháng 2/2024. Mô hình có nhiều dịch vụ như ẩm thực, ngâm chân, tắm thảo dược của đồng bào Dao Thanh Y và phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách với những món ăn làm từ nguyên liệu tại chỗ, chế biến theo cách riêng của người Dao. Mô hình hiện sử dụng 4 lao động thường xuyên và một số lao động thời vụ, đồng thời có sự tham gia của bà con trên địa bàn trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao cộng đồng theo nhu cầu của du khách.
Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng được chú trọng phát triển, vừa góp phần bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa các dân tộc, vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn.
Song song với đó, thành phố triển khai đề án xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu du lịch TP Uông Bí và Đề án số hoá và truyền thông, quảng bá du lịch thành phố Uông Bí trên các nền tảng số; bộ nhận diện thương hiệu du lịch TP Uông Bí…
Uông Bí sở hữu Khu di tích quốc gia đặc biệt là Yên Tử, nằm trong Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử đang đề cử tới UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Nhằm khẳng định niềm vinh dự, tự hào cũng như để các giá trị của Yên Tử thấm sâu vào các tầng lớp cán bộ, nhân dân địa phương, trong tháng 5/2024, thành phố đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng “Tự hào và trách nhiệm khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới” tới từng chi, đảng bộ, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đồng thời tổ chức thành công hội thảo khoa học “Nhận diện bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững TP Uông Bí”…
Trong 9 tháng năm 2024, thành phố đón 3.083.177 lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Yên Tử đón 653.560 lượt; Ba Vàng đón 1.608.700 lượt, còn lại là các điểm du lịch khác; khách quốc tế đạt 71.860 lượt; doanh thu du lịch đạt 1.705 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu vé tham quan Yên Tử đạt gần 20 tỷ đồng.