Uông Bí là địa phương giàu dư địa văn hoá với hệ thống di tích dày đặc, với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, với nếp sống văn minh, thân thiện của người dân Uông Bí đã xây dựng và gìn giữ nhiều năm qua. Đây là tiền đề, thuận lợi để Uông Bí phát triển văn hoá con người giàu bản sắc Quảng Ninh, một trong những nội dung quan trọng thuộc chủ đề công tác năm 2024 của TP Uông Bí.
Cũng giống như nhiều địa phương, những ngày đầu xuân này, trên địa bàn TP Uông Bí diễn ra nhiều lễ hội lớn nhỏ, trong đó có những lễ hội quan trọng là lễ hội chùa Hang Son, hội chùa Ba Vàng và hội chùa Yên Tử. Quán triệt tinh thần của thành phố, các lễ hội đều được tổ chức văn minh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống và tập quán tốt đẹp, tuyệt đối không để phát sinh dấu hiệu mê tín dị đoan hay lệch chuẩn tâm linh.
Tại lễ khai hội chùa Hang Son diễn ra ngày 15/2, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, phần lễ và phần hội đều được tổ chức theo kế hoạch, đảm bảo long trọng, tươi vui, an toàn cháy nổ và an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Du khách đến dự lễ hội, được trải nghiệm cảm xúc trong không gian chùa khoáng đạt, tươi đẹp, được hiểu về nguồn gốc di tích, nguồn gốc lễ hội, hiểu về các nhân vật được thờ phụng trong di tích, từ đó thấm nhuần giá trị văn hoá, truyền thống mà cha ông đã gửi gắm đến các thế hệ hiện tại và mai sau.
TP Uông Bí là địa phương sớm có sự đầu tư phát triển các giá trị văn hoá tinh thần trên địa bàn. Năm 2015, Bộ Quy tắc ứng xử “Tự hào là công dân TP Uông Bí” chính thức được đưa vào áp dụng. Hiện nay, trên nền tảng 6 đặc trưng con người Quảng Ninh theo bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, TP Uông Bí sẽ có những điều chỉnh, bổ sung hợp lý. Ông Phạm Xuân Thành, Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin TP Uông Bí cho biết: Việc điều chỉnh bổ sung này sẽ được TP Uông Bí triển khai kỹ càng, lộ trình có sự tham gia ý kiến của người dân, của các sở, ngành liên quan, để làm sao các quy tắc đưa ra đúng nguyện vọng của nhân dân thành phố cũng như phù hợp xu hướng phát triển.
Cùng với điều chỉnh bộ quy tắc ứng xử, TP Uông Bí làm giàu giá trị văn hoá của mình bằng những sản phẩm du lịch văn hoá trải nghiệm mới. Ví như gói sản phẩm trải nghiệm đỉnh Bình Hương, đỉnh Phượng Hoàng, xây dựng Nhà trưng bày dân tộc Dao Thanh Y tại xã Thượng Yên Công… Riêng công trình Nhà trưng bày dân tộc Dao Thanh Y được kỳ vọng là công trình làm giàu giá trị văn hoá bản địa tại vùng di tích Yên Tử. Hiện dự án này đã được khởi động với việc sưu tầm các giá trị truyền thống về trang phục, ẩm thực, các điệu hát xướng, nhạc cụ, các lễ hội… TP Uông Bí lấy nhà văn hoá thôn Khe Sú làm nơi trưng bày sản phẩm, đây là vùng trung tâm cư trú của đồng bào Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử.
Bên cạnh đó, năm 2024 này, sau 5 năm, TP Uông Bí sẽ tổ chức trao thưởng Giải thưởng Trần Nhân Tông lần thứ 2. Đây là giải thưởng của UBND TP Uông Bí dành cho các tác giả có những tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, kiến trúc xuất sắc về mảnh đất và con người TP Uông Bí.
Uông Bí, vùng đất giàu bản sắc văn hoá, giàu dư địa phát triển văn hoá đã và đang được chính quyền, nhân dân nơi đây gìn giữ và phát huy, coi đây là nguồn lực nội sinh, là động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững, theo đúng mục tiêu của tỉnh đề ra.