Khai thác những giá trị văn hoá, lịch sử, thiên nhiên tạo nên sức hấp dẫn riêng của Yên Tử mùa không lễ hội. Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động kích cầu du lịch dịp cuối năm là cách mà TP Uông Bí cùng các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn đã và đang triển khai để thu hút du khách về với vùng đất này trong mùa du lịch thu đông tới đây.
Yên Tử quyến rũ vào thu
Có thể nói, Yên Tử quyến rũ nhất là vào mùa thu đông, khi mà lượng khách thưa vắng hơn, trong khi cây cỏ xanh tươi chuyển sang điểm vàng, thời tiết dịu mát, trong trẻo đến lạ thường. Du khách chọn thời điểm này về Yên Tử thường mong muốn tìm về sự tĩnh tại trong nội tâm và trải nghiệm những hoạt động mang ý nghĩa sâu lắng hơn.
Mùa thu cũng là thời điểm mà những khóa lễ “Vu Lan báo hiếu” được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh chủ trì tổ chức tại Yên Tử, có sức thu hút bởi ý nghĩa của sự kiện này. Năm nay, khoá lễ dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 27/8 (tức ngày 12/7 âm lịch). Nối tiếp đó, thành phố dự kiến sẽ tổ chức Giải võ thuật truyền thống TP Uông Bí năm 2023 tại Yên Tử vào tháng 9 tới đây. Gắn với sự kiện kỷ niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2023), chương trình “Yên Tử – về miền đất Phật mùa thu năm 2023” sẽ có nhiều hoạt động thu hút đông đảo phật tử, du khách hành hương về với Yên Tử. Cùng với các sự kiện do Giáo hội Phật giáo tỉnh chủ trì, thành phố cũng dự kiến sẽ tổ chức hoạt động hưởng ứng là Giải leo núi Yên Tử – “Theo dấu chân Phật hoàng Trần Nhân Tông” vào tháng 11/2023.
Nhiều hơn cả là các hoạt động dưới chân núi Yên Tử. Sau 2 chương trình “Yên Tử – Suối nguồn tuệ giác” được tổ chức dịp hè vừa qua, thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên khắp cả nước về tham gia, chương trình dự kiến sẽ tổ chức nhiều hơn với số lượng mỗi tháng 1 lần vào 2 ngày cuối tuần. Cùng với việc thu hút học sinh, sinh viên cả nước, chương trình có sự khuyến khích đối tượng học sinh, sinh viên trên địa bàn Uông Bí. Các nội dung có sự mở rộng kết hợp giữa chương trình của các khoá tu ngắn và hoạt động trải nghiệm tại khu vực làng Nương Yên Tử, do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm chủ trì, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh phối hợp tổ chức.
Anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Văn hoá (Công ty CP Phát triển Tùng Lâm), cho biết: Chúng tôi cùng với việc duy trì các hoạt động trải nghiệm đã có thì tiếp tục mở thêm những hoạt động trải nghiệm mới phục vụ các em học sinh, sinh viên về tham gia các khoá “Yên Tử – Suối nguồn tuệ giác” nói riêng và du khách về với Yên Tử nói chung.
Đó là trải nghiệm bơi thuyền ở hồ Ngoạn Nguyệt, thí điểm ban đầu là 3 chiếc thuyền dành cho 15 khách/lượt chơi; cây nguyện ước để du khách viết những điều nguyện ước may mắn rồi treo lên. Chúng tôi cũng đang cải tạo lại gian phòng tại khu cổng Khai tâm và cho thuê cổ phục mô phỏng trang phục các triều đại Việt Nam, phục vụ nhu cầu check in của du khách. Đồng thời tạo một gian trải nghiệm làm đồ mộc để du khách có thể tự mình chế tác các vật dụng thường ngày như đũa, bát, thìa, đồ dùng học tập như thước kẻ, ê ke cho đến các vật phẩm lưu niệm, trang trí như vòng gỗ thơm đeo tay… Dự kiến, các hoạt động đều sẽ vận hành trong tháng 8, 9 này.
Sản phẩm thiền hoa đăng và nghi lễ thả hoa đăng tại các hồ nước dưới chân Yên Tử cũng được doanh nghiệp tổ chức nhiều năm nay phục vụ du khách. Tuy nhiên, dịp cuối năm này, đơn vị đã và đang triển khai mở rộng thành các lễ hội Hoa đăng tổ chức hàng ngày sau khi đêm hội làng Nương kết thúc. Theo chia sẻ của anh Thái, tham gia lễ hội, du khách sẽ mua hoa đăng rồi cùng nhau rước hoa đăng dọc làng Nương, nghe giới thiệu ngắn gọn về ý nghĩa của hoa đăng, làm lễ nhỏ rồi thả đăng tại Gương thiền hoặc tại hồ Ngoạn Nguyệt.
Cùng với các hoạt động thường xuyên, lễ hội Hoa đăng gắn với chương trình “Yên Tử – Suối nguồn tuệ giác” sẽ được tổ chức ở quy mô lớn hơn với sự tham gia của cả nghìn người. Chị Đặng Thị Thủy, Giám đốc khu nghỉ dưỡng làng Nương kiêm Giám đốc phát triển sản phẩm (Công ty CP Phát triển Tùng Lâm), cho biết, nghi lễ này còn được đơn vị tổ chức vào dịp cuối năm, phục vụ các đoàn khách lớn, khách du lịch MICE tổ chức hội nghị khách hàng ở Yên Tử. Theo đó, các đoàn về đây ngoài dự sự kiện, ăn uống ra thì còn tham gia nghi lễ thiền hoa đăng để tri ân, cảm tạ vào buổi tối và ngắm bình minh vào buổi sớm, để tận hưởng những năng lượng và không gian rất đẹp của mùa thu Yên Tử.
Qua tìm hiểu cho thấy, các sản phẩm trải nghiệm của đơn vị sẽ vừa phục vụ khách lẻ, vừa được “đóng gói” để phục vụ khách đoàn phù hợp với nhu cầu từng dòng khách. Theo chia sẻ của chị Thuỷ, mùa thu đông năm nay, nhu cầu khách hàng về với Yên Tử có nhiều sự thay đổi nên đơn vị vẫn tiếp tục có những điều chỉnh cho phù hợp. Đơn cử như với dòng khách nghỉ dưỡng là khách lẻ gia đình, hội nhóm thì đơn vị chạy chương trình “Mùa thu nơi tiên cảnh”, “Thu sang an nhiên” gắn các dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống và những giá trị trải nghiệm khác về thiên nhiên, văn hoá, lịch sử của Yên Tử vào mùa thu.
Vào mùa đông có những dòng khách đi lễ tạ cuối năm thì đơn vị kết hợp lại với nhau. Hay như với dòng khách MICE thì vừa kết hợp chương trình hội nghị khách hàng, tri ân cuối năm vừa tạo không gian để du khách có những giờ phút tĩnh tâm, thảnh thơi… Cùng với đó, đơn vị cũng tổ chức những chương trình đặt riêng theo yêu cầu, như chương trình “Tri ân và ước nguyện” phục vụ nhu cầu lễ tạ cuối năm vào buổi đêm với các nghi lễ lên đăng, lễ thỉnh chuông, nhiễu tháp ở Huệ Quang kim tháp…
Với dòng khách nước ngoài, như khách tàu biển đến Yên Tử trong ngày dịp cuối năm, đơn vị lại có dịch vụ kiểu khác. Đặc biệt, dòng khách Hàn Quốc thường đến Quảng Ninh tầm từ tháng 10 trở ra khi thời tiết đã dịu mát, đơn vị sẽ “đóng gói” sản phẩm cho khách đi qua làng Nương trải nghiệm làm nón lá hoặc set up các cổ phục chụp ảnh trong làng Nương hoặc leo núi, cố gắng hoàn thiện để tháng 10 đưa vào vận hành, phục vụ cho dòng khách này.
Một số hoạt động trải nghiệm làng nghề như: Nặn tò he, làm quạt, nón lá, chuồn chuồn tre, in tranh Đông Hồ, pha trà truyền thống… được đơn vị vừa duy trì những trải nghiệm đã có vừa bổ sung thêm những trải nghiệm mới để làm phong phú các hoạt động làng nghề.
Tăng cường quảng bá điểm đến mới
Yên Tử có thể khẳng định là một điểm nhấn của du lịch Uông Bí suốt 4 mùa, trong đó có mùa thu đông. Năm nay, để gia tăng sức hút du lịch dịp cuối năm của thành phố, ngay từ đầu năm, Uông Bí đã đề ra kế hoạch đưa 2 sản phẩm mới là du lịch trải nghiệm tại đỉnh Bình Hương và đồi Phượng Hoàng vào khai thác dịp cuối năm.
Vào dịp tháng 4, thành phố đã tổ chức chương trình Uông Bí chào hè tại Lựng Xanh, với hai điểm nhấn là giải leo núi xuất phát từ Lựng Xanh chinh phục đỉnh Bình Hương và hội thi thả diều trên đỉnh Bình Hương. Còn vào dịp tháng 10 tới đây, thành phố dự kiến sẽ tổ chức Chương trình “Mùa thu vàng – Uông Bí năm 2023” tại đồi Phượng Hoàng. Theo đó, chương trình sẽ có các hoạt động hưởng ứng như: Giải đua xe đạp địa hình chinh phục đỉnh Phượng Hoàng, Hội thi “Ẩm thực dã ngoại – Phượng Hoàng”… Các hoạt động này cũng là khởi động cho chuỗi các sự kiện kích cầu du lịch mùa thu đông trên địa bàn Uông Bí, tại nhiều điểm đến như chùa Ba Vàng, Yên Tử…
Anh Phạm Xuân Thành, Trưởng Phòng VHTT TP Uông Bí, cho hay, địa phương hiện đang tập trung vào điều chỉnh quy hoạch cho 2 sản phẩm trải nghiệm mới tại đỉnh Bình Hương và đồi Phượng Hoàng. Khu vực đỉnh Bình Hương là đất rừng sản xuất, tuy nhiên khu vực đồi Phượng Hoàng lại nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ nên thành phố đang làm hồ sơ xin điều chỉnh khu vực đất rừng này, sau mới làm tiếp các bước để công nhận điểm du lịch, từ đó có cơ sở kêu gọi thu hút đầu tư. Còn hiện tại, địa phương tổ chức các hoạt động tại đây với tính chất để quảng bá một điểm trải nghiệm mới dưới hình thức tự phát, có sự quản lý của Nhà nước…