Ngày 3/5, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì họp, nghe báo cáo về công tác triển khai lập Đề án “Phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tham mưu xây dựng Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề cương, nhiệm vụ Đề án “Phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đến nay, Sở TN&MT đã chủ động thực hiện các nội dung sau: Làm việc với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) thống nhất nội dung đề xuất hỗ trợ kỹ thuật, kế hoạch triển khai xây dựng Đề án; mời các chuyên gia cố vấn khảo sát bổ sung, đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế biển; làm việc với các địa phương có biển để thu thập thông tin, số liệu, tài liệu; hoàn thành dự thảo Đề án lần 1.
Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ hoàn thành việc lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương để tiếp thu, chỉnh sửa ý kiến tham gia và báo cáo UBND tỉnh. Dự kiến sẽ hoàn thiện Đề án, dự thảo Tờ trình và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trước ngày 20/5/2024.
Qua nghe ý kiến thảo luận, đề xuất của các đơn vị tại cuộc họp, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đây là một Đề án mang tính chiến lược, nội dung liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Vì vậy để đảm bảo tiến độ, chất lượng, tính khoa học, tính toàn diện của Đề án, các nội dung phải bám sát Quy hoạch chung của tỉnh, phải nhìn nhận đánh giá rõ thực trạng kinh tế biển của tỉnh, nhất là mức độ phát triển của kinh tế biển Quảng Ninh hiện nay so với các tỉnh, thành trong cả nước và so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Từ đó chỉ ra những nguyên nhân, tồn tại cũng như xu hướng phát triển kinh tế biển trong thời gian tới. Đồng thời cần phải xác định rõ những khâu đột phá trong Đề án, liên quan đến phát triển khu kinh tế ven biển, hạ tầng biển, nuôi biển… Trong xây dựng nhóm giải pháp của Đề án phải coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo là nhiệm vụ hàng đầu và tiếp tục làm rõ quy mô và cơ cấu của nguồn lực.