Sáng 16/9, UBND tỉnh tổ chức họp bàn phương án khôi phục sản xuất lâm nghiệp sau bão số 3. Đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo đánh giá sơ bộ của Sở NN&PTNT, đến ngày 15/9, bão số 3 đã làm thiệt hại 75.567,1ha rừng trên địa bàn tỉnh. Rừng trồng bị thiệt hại chủ yếu bị gãy ngang thân, đổ rạp hoặc bật gốc. Trong đó, diện tích rừng từ 1-5 tuổi bị gãy đổ, người dân sẽ gần như mất trắng, không thể tận thu; đối với diện tích rừng từ 5 tuổi trở lên, có thể tận thu được khoảng 40% giá trị đầu tư.
Tại cuộc họp, các công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ và UBND các địa phương đề xuất tỉnh xem xét cho phép tăng vốn điều lệ cho các công ty lâm nghiệp để vay vốn ngân hàng thương mại có nguồn tái sản xuất; thực hiện giãn nợ từ nguồn vốn ngành Than đầu tư trồng rừng; giãn nợ bảo hiểm; miễn giảm 1 chu kỳ tiền thuế đất.
Đồng thời UBND tỉnh sớm ban hành hướng dẫn thanh lý rừng trồng theo Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND “Về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” áp dụng thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Đề nghị tỉnh sớm cấp cho các công ty lâm nghiệp chòi canh, máy thổi lửa, bàn dập lửa theo Dự án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là hiện nay sắp đến mùa hanh khô, lớp thực bì sau bão dày.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ sự mất mát to lớn đối với các hộ dân, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đồng chí yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị làm tốt công tác thống kê để chốt hồ sơ và làm rõ con số thiệt hại của lâm nghiệp. Con số này phải chính xác, chi tiết vì liên quan trực tiếp đến việc hỗ trợ, áp dụng các chính sách cho các hộ dân, doanh nghiệp, đơn vị sau này. Các địa phương, đơn vị thực hiện triển khai ngay các chính sách hỗ trợ đã có của tỉnh hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp, đơn vị đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp. Ngay từ bây giờ, Sở NN&PTNT phải khẩn trương xây dựng Đề án tái thiết ngành lâm nghiệp để báo cáo UBND tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các chủ rừng phải tăng cường quản lý công tác phòng chống cháy rừng; các địa phương, đơn vị quản lý đất đai và đất rừng không để xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư; chú ý quản lý, bảo vệ tài sản rừng. Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tăng cường hỗ trợ tiêu thụ lâm sản cho các chủ rừng trong bối cảnh hiện nay. Các đơn vị bám sát nghị quyết mới của Chính phủ về khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 để triển khai chính sách hỗ trợ.