TX Quảng Yên là địa phương có diện tích cần GPMB lớn nhất của tỉnh trong năm 2023. Để đảm bảo quỹ đất phục vụ phát triển KT-XH, nhất là đón các nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN trên địa bàn, thị xã đã tập trung tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân để đảm bảo việc GPMB diễn ra thuận lợi.
KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) có tổng diện tích quy hoạch 714ha, được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những KCN trọng điểm, chiến lược trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo do Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long làm chủ đầu tư. Đây là dự án có diện tích GPMB lớn với tổng diện tích 634,86ha. Trong đó giai đoạn 1 có diện tích hơn 123ha đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư. Hiện nay thị xã đang tập trung việc GPMB 3 giai đoạn còn lại của dự án. Trong đó ưu tiên những vị trí cần mặt bằng gấp để thu hút các doanh nghiệp thứ cấp vào KCN.
Quá trình GPMB, những tâm tư, kiến nghị của người dân đều được cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng xem xét, giải đáp thấu đáo đảm bảo vừa hoàn thành kế hoạch mà vẫn đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân. Nhờ vậy công tác GPMB cơ bản diễn ra thuận lợi. Đến nay thị xã hoàn thành công tác GPMB và bàn giao cho chủ đầu tư diện tích là 355ha trên tổng số gần 512ha của các giai đoạn 2, 3 và 4.
Ông Bùi Huy Dung (thôn 3, xã Sông Khoai) cho biết: Gia đình có thửa ruộng với diện tích 5.400m2 trong phạm vi bồi thường, GPMB để thực hiện dự án KCN Sông Khoai. Ban đầu khi có thông báo thu hồi đất, gia đình rất lo lắng vì nếu tư liệu sản xuất là đất ít đi thì thu nhập từ làm nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên được sự giải thích cặn kẽ từ cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã và tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể cơ sở về các cơ chế, chính sách đền bù, GPMB và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; đặc biệt là cơ hội việc làm cho con cháu trong gia đình và người dân địa phương sẽ mở ra khi mà các doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, nên gia đình đã yên tâm, ủng hộ việc GPMB để làm KCN.
Ông Nguyễn Văn Nhân (Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata) chia sẻ: Trong thời gian qua, doanh nghiệp đầu tư dự án trên địa bàn đã nhận được sự quan tâm, đồng hành của tỉnh Quảng Ninh nói chung, TX Quảng Yên nói riêng. Nhất là công tác GPMB đã tháo gỡ các khó khăn. Vì vậy đến nay KCN Sông Khoai đã thu hút nguồn vốn đầu tư đạt 1,7 tỷ USD. Trong đó 9 tháng năm 2023 đã đạt 536 triệu USD. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ thu hút được thêm 600 triệu USD nữa từ các nhà đầu tư thứ cấp.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TX Quảng Yên: GPMB là khâu khó và bước tiến hành của TX Quảng Yên luôn phải đảm bảo trình tự, thủ tục quy định và đúng thực tế từng dự án, hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu kiện của người có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó các phương án về ổn định cuộc sống của người dân sau GPMB, nhất là về chỗ ở cũng được thực hiện đồng bộ. Hiện nay, TX Quảng Yên đã và đang triển khai 9 khu tái định cư, dự kiến đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho trên 1.000 hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất. Người lao động địa phương trong độ tuổi từ 18-45 tuổi có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp đã được ưu tiên tuyển dụng vào làm tại các KCN với mức thu nhập ổn định.
Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, mà công tác GPMB ở các KCN trên địa bàn đã cơ bản đảm bảo theo yêu cầu đề ra. Các dự án có diện tích sử dụng đất lớn như: KCN Bắc Tiền Phong với diện tích quy hoạch gần 1.193ha, trong đó phải thực hiện GPMB là 862ha, thị xã đã hoàn thành, bàn giao chủ đầu tư trên 50% diện tích đất để xây dựng hạ tầng; Dự án KCN và Cảng Nam Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc có tổng diện tích quy hoạch dự án là 487,4ha cũng cơ bản hoàn thành công tác GPMB và bàn giao cho chủ đầu tư là Công ty CP Deep C của Nga.
Kết quả công tác GPMB đã góp phần tích cực vào thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Trong 9 tháng năm 2023, đã có 12 dự án FDI mới được đầu tư vào các KCN trên địa bàn TX Quảng Yên với diện tích đăng ký sử dụng đất trên 417ha, vốn đầu tư 22.907 tỷ đồng (938,9 triệu USD), 1 dự án đầu tư trong nước với số vốn đầu tư đăng ký là 36.034 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao theo đúng định hướng của tỉnh Quảng Ninh như sản xuất khối đúc kim loại; phụ kiện, phụ tùng ô tô; thiết bị, linh kiện điện tử.