Ngày 26/9, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử, Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Hội thảo bàn những vấn đề hết sức quan trọng và mang tính cấp thiết nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, phát huy hơn nữa sức mạnh, giá trị văn hóa con người Quảng Ninh, tạo nguồn lực, động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đồng chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy Quảng Ninh, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước.
8h10: Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh:
Hiện nay, nguồn lực văn hóa đang được nhận diện với các ngành công nghiệp văn hóa. Trong số 13 ngành công nghiệp văn hóa, tiềm năng, lợi thế của Quảng Ninh hiện diện ở nhiều ngành và đặc biệt hiện diện nổi bật ở ngành du lịch văn hóa. Đây được xác định là nguồn lực quan trọng vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần cho nhân dân trong tỉnh và khách du lịch trong cũng như ngoài nước khi đến với Quảng Ninh, là “con đường” ngắn nhất quảng bá hình ảnh Quảng Ninh với nhân dân cả nước và hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Quảng Ninh là tỉnh có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, con người Quảng Ninh cũng thể hiện những đặc trưng chung, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, kết hợp với bản sắc rất riêng của vùng đất được coi là “cái nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam, truyền thống công nhân Vùng mỏ, “Kỷ luật và Đồng tâm” đã được hình thành, vun bồi thành một di sản tinh thần của công nhân vùng mỏ, trở thành một đặc trưng của con người Vùng mỏ. Trải qua quá trình phát triển, các đặc trưng “Năng động – Sáng tạo – Hào sảng – Lành mạnh – Văn minh – Thân thiện” đã được nhận diện là những đặc trưng của con người Quảng Ninh.
Tuy nhiên, xu thế vận động và phát triển tiếp tục đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi Quảng Ninh không chỉ tiếp cận những nhận thức mới về phát triển bền vững, nhận diện mới về các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh hiện tại đồng thời đặt trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn, mà còn phải có giải pháp thực tế, hiệu quả để chuyển hóa các giá trị này thực sự trở thành nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển là tất yếu.
Đồng chí Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh: Hội thảo khoa học lần này là dịp để trao đổi, thảo luận sâu về chủ đề trên, từ đó góp phần làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn để Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
8h20: Báo cáo trung tâm tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định:
Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương, tổng hòa trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất, có tính bao trùm, được đa số cộng đồng công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ bằng ý thức tự giác.
Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là sợi dây nối quá khứ, hiện tại và tương lai, vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính đương đại, phản ánh hơi thở của thời đại, trở thành mục tiêu, động lực, phương châm chỉ đạo, “hệ đường ray” để quy tụ lòng người, đoàn kết xã hội, xác định, gắn kết các định hướng lớn cho xây dựng, phát triển bền vững địa phương ở hiện tại và tương lai.
Các giá trị “Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Nhân dân hạnh phúc” là hệ giá trị hợp trội được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia – dân tộc và nhân loại, tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh, làm thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương. Đồng thời, giữa các thành tố của hệ giá trị Quảng Ninh có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tương hỗ, bao quát khá toàn diện trên các lĩnh vực: điều kiện tự nhiên – văn hóa – xã hội – chính trị – kinh tế – con người, trong đó “thiên nhiên tươi đẹp” là điều kiện; “văn hóa đặc sắc” là nền tảng; “xã hội văn minh” là chuẩn mực; “hành chính minh bạch” là môi trường; “kinh tế phát triển” là phương tiện và “nhân dân hạnh phúc” là mục tiêu cuối cùng hướng đến. Đây cũng là nội hàm cốt lõi trong mục tiêu quản trị phát triển bền vững địa phương với mô hình phát triển bền vững dựa trên việc tìm kiếm sự cân bằng giữa ba yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường, gắn với nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó trước các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng cực đoan hơn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tin tưởng hội thảo sẽ bổ sung cho Quảng Ninh những tầm nhìn mới, góc nhìn mới, hiểu biết mới về giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh để tiếp tục chuyển hóa thành mục tiêu, tầm nhìn dài hạn mang tính động lực phát huy sức mạnh tổng hợp gắn với các chiến lược hành động cụ thể để đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Với tầm quan trọng đó, hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, với hơn 80 bài tham luận. Các bài viết được đánh giá là có sự đầu tư công phu, có chất lượng tốt, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đã kiến giải sâu sắc, nhiều chiều các nội dung của hội thảo. Trong đó tập trung chính vào nhận diện các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh thời kỳ hiện nay, đồng thời đặt trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn; làm rõ hơn các phương thức, hình thức khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, con người phù hợp với đặc điểm đặc thù, với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Ninh; đánh giá thực trạng, những kết quả đạt được, những tồn tại trong quá trình khơi dậy các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh thời gian qua; phân tích nguyên nhân thành công và hạn chế; bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển nhanh, bền vững với phát triển con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Cùng với đó, gợi mở giải pháp cho Quảng Ninh để nhận diện được đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, con người thực sự trở thành nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững; gợi mở các kiến nghị chính sách của tỉnh với Trung ương; kiến nghị cơ chế, chính sách cụ thể của các địa phương với tỉnh.
8h35: PGS.TS Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Nhận diện bản sắc văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trong thời kỳ mới”
Tỉnh Quảng Ninh là một vùng đất được ví như hình ảnh của đất nước Việt Nam thu nhỏ, là nơi hội tụ, giao thoa, kết tinh các giá trị tiêu biểu của nền văn minh sông Hồng, giàu bản sắc với sức mạnh đặc trưng của con người Quảng Ninh hội tụ bốn phương. Bản sắc văn hóa và giá trị con người Quảng Ninh chính là tài sản vô giá, là động lực quan trọng để phát triển Quảng Ninh ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Để khơi nguồn lực cho quá trình phát triển, việc nhận diện để xác định phương hướng, giải pháp phát huy bản sắc văn hóa và sức mạnh con người Quảng Ninh là một trong những vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hiện nay.
Quán triệt sâu sắc và toàn diện quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước hiện nay, nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) và Nghị quyết số 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) về văn hóa, ngày 9/3/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Từ đó, tập trung nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả, thành công khâu đột phá này. Nghị quyết này đã đề ra mục tiêu xây dựng, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với các trọng tâm, trọng điểm và lộ trình cụ thể.
Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của bản sắc văn hóa Quảng Ninh trong xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh phồn vinh, hạnh phúc, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Trước hết, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, các chương trình, dự án đề ra về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tỉnh để nâng cao hơn nữa chất lượng của các hoạt động văn hóa, khẳng định mạnh mẽ vai trò, vị thế của văn hóa Quảng Ninh – vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng thể về nguồn lực văn hóa tạo nên bản sắc văn hóa của Quảng Ninh.
Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung vào phát triển mạnh mẽ hơn các ngành công nghiệp văn hóa; kết nối phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở địa phương với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Trung ương và các tỉnh bạn trên phạm vi cả nước. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Quảng Ninh, giới thiệu bản sắc văn hóa của Quảng Ninh đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Cùng với đó, điều tiết sự phát triển văn hóa thông qua đòn bẩy kinh tế; tập trung đào tạo, bồi dưỡng bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…
8h45: TS. Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: “Triết lý văn hóa phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Quảng Ninh”
Văn hóa làm nên nền chính trị Việt Nam. Đó là Quốc chính Việt Nam. Văn hóa làm nên niềm tin. Đó là Quốc tín Việt Nam,… Không có những nhân tố đó thì không có Quốc thể Việt Nam. Một quốc gia mà không có Quốc chính, không có Quốc tín thì khó có thể có Quốc thể một cách ngang tầm và xứng đáng. Đó chính là văn hóa và xét cho cùng không thể là gì khác, ngoài văn hóa.
Càng tiến vào thế kỷ XXI, khi lịch sử phát triển của thế giới là lịch sử ngắn hạn, kinh nghiệm thành công của các nước phát triển càng chỉ rõ và khẳng định, bất cứ một quốc gia, dân tộc nào muốn phát triển bền vững, không thể đi bằng một “đôi chân” khập khiễng, chỉ bằng văn hóa hoặc bằng kinh tế, dù xét theo nghĩa rộng nhất hay hẹp nhất của những vấn đề này. Không thể nói tới sự phát triển cân bằng, bền vững chỉ khi đạt được thành công về văn hóa (dù một cách độc lập hay giữ vị thế đi tiên phong xã hội) hoặc chỉ khi kinh tế tăng trưởng ngoạn mục (dù mang tính quyết định hay cơ bản và quan trọng tới đâu); và ngược lại.
Về Quảng Ninh, với vị trí địa kinh tế, địa chính trị, địa văn hóa, địa quân sự đã làm nên vị thế Quảng Ninh. Địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa, địa quân sự, địa ngoại giao mà linh hồn là văn hóa biển, văn hóa rừng, văn hóa mở, văn hóa mỏ, văn hóa tâm linh, văn hóa đô thị, văn hóa đa sắc tộc, văn hóa ngoại giao, văn hóa sinh thái kết tinh và hội tụ làm nên văn hóa Quảng Ninh mở, cầu thị, tiếp biến, thích ứng, thống nhất đa sắc tộc và độc đáo; trở thành cái nôi làm nên tư chất, tầm nhìn, vị thế, sức mạnh con người Quảng Ninh xưa, nay và tương lai.
Điều mà tôi trăn trở từ lâu nay là tại sao Quảng Ninh đứng vững được ở những cơn sóng gió. Chúng ta đều biết một thử thách làm nghiêng ngả toàn cầu đó là đại dịch Covid-19 nhưng với Quảng Ninh 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn luôn đứng trong tốp đầu cả nước về tốc độ phát triển KT-XH và đảm bảo an sinh xã hội. Vì sao Quảng Ninh lại đạt được những kết quả như vậy? Phải chăng tố chất mà tôi tìm thấy, cảm thấy ở Quảng Ninh bao hàm 8 nhân tố là linh hồn của triết lý văn hóa và sự phát triển bền vững, mạnh mẽ Quảng Ninh. Đó là: Cầu thị – Mềm dẻo – Tinh tế – Hài hòa – Khẳng khái – Khoan dung – Danh dự – Hòa mục.
Nhìn bao trùm có thể hình dung ra văn hóa tương lai của Quảng Ninh gồm 10 chữ: Liên tiếp, Tiếp biến, Bản sắc, Dung hợp và Phát triển vì mục tiêu đất nước hùng cường, nhân dân hạnh phúc.
Trung tâm Truyền thông tỉnh tiếp tục cập nhật thông tin về hội thảo…