Tối 14/4, thị xã Quảng Yên đã long trọng khai hội truyền thống Bạch Đằng năm 2024 nhân kỷ niệm 1086 năm (938-2024), 1043 năm (981-2024) và 736 năm (1288-2024) chiến thắng Bạch Đằng.
Dòng sông Bạch Đằng đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc với 3 lần chiến thắng giặc ngoại xâm: Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, khẳng định độc lập, chủ quyền của đất nước; năm 981, Lê Hoàn đánh bại quân xâm lược nhà Tống; năm 1288, quân và dân Đại Việt tiêu diệt, bắt sống đạo binh thuyền hùng mạnh Nguyên Mông.
Lễ hội truyền thống Bạch Đằng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được tổ chức hàng năm, nhằm tri ân những cống hiến của các bậc tiền nhân, tiếp tục khẳng định ý nghĩa và giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Bạch Đằng trong quá trình chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.
Không gian tổ chức lễ hội – khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng tại 11 điểm di tích trên địa bàn TX Quảng Yên và TP Uông Bí đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt từ năm 2012; được phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị từ năm 2013. Bộ hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được trình lên UNESCO để xét công nhận là Di sản thế giới, gồm 18 cụm di sản và 32 điểm di tích, trong đó đã điều chỉnh mở rộng phạm vi và đưa vào danh mục nghiên cứu đối với khu di tích Bạch Đằng.
Ngay sau nghi lễ khai hội, múa lân sư rồng và màn trống hội là chương trình nghệ thuật sử thi “Khúc tráng ca Bạch Đằng” với sự tham gia của các ca sĩ Sao Mai và các nghệ sĩ Vùng mỏ. Lễ hội truyền thống Bạch Đằng sẽ kéo dài đến hết ngày 17/4 với nhiều hoạt động phong phú và đặc sắc như: Tế yết, rước tượng Đức thánh Trần, dâng hương, thả đèn hoa đăng, nghi lễ chui kiệu thánh, tế lễ giã hội và các trò chơi dân gian, văn hóa, thể thao kéo co, cờ người, tổ tôm điếm, bóng chuyền hơi, triển lãm ảnh nghệ thuật, triển lãm sinh vật cảnh.