Sáng ngày 14/2 (tức ngày mùng 5 Tết), UBND TX Quảng Yên, long trọng tổ chức Khai hội Tiên Công năm 2024, chào mừng năm du lịch Quốc gia 2024 và kỷ niệm 590 năm các Tiên Công khai canh mở đất (1434- 2024).
Lễ hội Tiên Công là 1 trong 12 di sản văn hóa phi vật thể được xếp vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào cho vùng đất và con người Quảng Yên.
Với chủ đề “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, năm nay, Lễ hội Tiên Công gắn với kỷ niệm 590 năm các Tiên Công khai canh, mở đất vùng đảo Hà Nam (1434 – 2024). Đây là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tôn vinh các Tiên Công – những người đầu tiên đã có công quai đê, lấn biển, lập làng, khai sáng vùng đảo Hà Nam; đồng thời mang theo các giá trị văn hóa của kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến về với vùng đất này.
Lễ hội cũng là một trong những hoạt động của thị xã Quảng Yên hưởng ứng và chào mừng Năm du lịch quốc gia 2024.
Tại lễ khai hội, các đại biểu đã tiến hành nghi lễ dâng hương, gióng trống khai hội và lễ Tế Yết khai hội. Trong hôm nay và ngày mai, mùng 6 tháng Giêng, các cụ Thượng và gia đình cũng tiến hành dâng lễ tại miếu để tưởng nhớ các vị Tiên Công.
Ngày chính hội là ngày mùng 7 tháng Giêng sẽ có 6 đoàn rước các cụ Thượng (80, 90, 100 tuổi) lên miếu Tiên Công, trong đó có 2 đoàn rước tập thể và 4 đoàn rước cá nhân. Ngoài ra, còn có hơn 100 cụ Thượng dẫn lễ lên miếu Tiên Công.
Nghi lễ “rước người” chính là nét đặc sắc, độc đáo của Lễ hội Tiên Công, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các Tiên Công, các bậc cao niên, các đấng sinh thành. Nghi lễ này diễn ra ở các phường, xã của vùng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) gồm: Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải, Cẩm La và Liên Hoà. Trong đó, trung tâm lễ hội là tại Di tích miếu Tiên Công và 17 từ đường các dòng họ thờ Thuỷ tổ Tiên Công.
Lễ hội Tiên Công còn có giá trị lịch sử, thể hiện sự tự hào về truyền thống quai đê, lấn biển lập làng lâu đời của dân tộc, mang ý nghĩato lớn trong việc khơi dậy tinh thần đoàn kết, chinh phục thiên nhiên, “trị thuỷ” phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế biển của nhân dân vùng sông nước Bạch Đằng, góp phần làm phong phú thêm các lễ hội cổ truyền của dân tộc.
Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, Ban Tổ chức còn tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, các trò chơi dân gian truyền thống lâu đời, như: Chơi đu, chọi gà, cờ người, tổ tôm điếm, hát đúm, đấu vật, đắp đê… đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, giao lưu cộng đồng và nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân; góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, có sức lan toả trong cộng đồng và toàn xã hội.